Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa lá me non

07:04, 19/04/2020

Nếu có ai hỏi hãy chọn một loại cây gần gũi thân thuộc nhất đại diện cho đất Nam bộ, tôi không ngần ngại trả lời ngay là cây me. Các ngả đường phố thị, thôn quê các tỉnh, thành Nam bộ trồng nhiều loài cây, nhưng không thể thiếu cây me. Người ta trồng me làm cây bóng mát, cây cảnh rồi sau đó mới khai thác những ích lợi từ hoa, trái, lá cây.

Nếu có ai hỏi hãy chọn một loại cây gần gũi thân thuộc nhất đại diện cho đất Nam bộ, tôi không ngần ngại trả lời ngay là cây me. Các ngả đường phố thị, thôn quê các tỉnh, thành Nam bộ trồng nhiều loài cây, nhưng không thể thiếu cây me. Người ta trồng me làm cây bóng mát, cây cảnh rồi sau đó mới khai thác những ích lợi từ hoa, trái, lá cây.

Con đường với những hàng me rợp bóng
Con đường với những hàng me rợp bóng

Ở TP.HCM có nhiều con đường trồng me, trong đó con đường có đôi hàng me đẹp nhất có lẽ là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3. Cố nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền sinh thời sáng tác bài hát Con đường có lá me bay (Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về…) rất quen thuộc với bao thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam sau giải phóng. Và khi đọc những câu thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo: “Sài Gòn những hàng me sóng đôi/ Nên khi dạo phố phải hai người/…/ Ôi những hàng me hút phố sâu/ Cây nối trời xanh, lá bắc cầu/ Đám mây bay lẻ như em vậy/ Mây lặn vào vòm trái sẫm nâu…”; tôi dám chắc một trăm lẻ một phần trăm là con đường đan dày những hàng me sóng đôi Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã gợi cảm hứng cho cả hai ông. Bởi thời điểm sáng tác bài thơ và bài hát (khoảng năm 1979, 1980) các ông đều ở chung cư 190, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bước một bước là xuống đường. Đêm đêm mùi hương hoa, hương cây tràn vào căn phòng các ông ở, bàn viết các ông ngồi sáng tác.

Hình tượng cây me từ lâu đã bước vào văn chương, nghệ thuật. Ở Bình Định lưu truyền hai câu ca dao: Cây Me cũ, bên Trầu xưa/ Không nên tình nghĩa cũng đón đưa cho trọn niềm. Câu ca dao có thể đã ra đời sau khi Nhà Tây Sơn sụp đổ. Lòng dân đã kín đáo gửi vào lời ý, bày tỏ nỗi niềm tri ân, tiếc nhớ một triều đại tuy ngắn ngủi nhưng huy hoàng, với người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ đã lãnh đạo nhân dân lập nên những võ công vô cùng oanh liệt, chiến thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ vẹn toàn Tổ quốc. Cây me cũng vào trong câu hát đồng dao, trò chơi con trẻ. Mở đầu câu hát ghẹo trêu gán ghép một cặp đôi nào đó, trẻ con ngày xưa hát: Me chua me dốt… (anh A cũng tốt, chị B cũng xinh)…

Có nhiều loài cây hữu dụng, cũng có nhiều loài hoa đẹp nhưng ăn vào là chết người, cây me là loài cây lành, cực lành. Vào mùa hạ, ở các ngôi trường, bên những hàng phượng chói ngời sắc đỏ là những hàng me xanh um tùm, chùm chùm trĩu trịt trái treo. Mùi ruột trái me chua chua, ngọt ngọt chắc chắn mãi lưu lại trong ký ức của rất nhiều lớp học trò về những tháng năm tuổi thơ đi học của mình.

Món canh chua Nam bộ không thể thiếu me. Cùng là vị chua nhưng vị chua chua, ngọt ngọt thơm đặc hiệu của me phối hợp với dọc mùng, giá, trái thơm, hành hoa, rau ôm, cá tươi (cá lóc, cá bông lau...) thành một bản hòa tấu ẩm thực tuyệt vời không thể ngon hơn. Những món ăn dân dã khoái khẩu: lươn chiên giòn, cá kèo, cá chạch chiên giòn phải chấm nước mắm me mới là đúng vị. Còn không sẽ là một thứ nhạt thếch vô duyên.

Lá me non nấu với cá cơm, cá trích, cá đù, cá nục, thịt gà, thịt ếch… đều ngon. Vị chua thanh thanh của lá me làm cho nồi canh cá có một hương vị thanh tao đặc biệt mà gần gũi. Ngày Tết bà con có món mứt me, me dầm đặc trưng, bên những mứt gừng, mứt dừa, mứt mãng cầu, mứt khoai, mứt bí... Vị me chua chua, ngọt ngọt luôn là một thứ hương liệu đặc biệt không thể thiếu trong đời sống dân dã Nam bộ.

Me còn dùng làm thuốc. Nước sắc từ thân cây me có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, điều trị táo bón. Vỏ cây me chữa tiêu chảy, cầm máu, viêm lợi, sâu quảng... Lá me giã ra, dùng đắp ngoài da trị viêm khớp, bong gân, đinh nhọt, lở ngứa, rôm sảy...

Gỗ me già xẻ ra làm thớt rất đắc dụng. Thớt gỗ me cũng là một thứ “đặc sản” ở nơi đây. Gỗ me dai, thớ mịn, băm, chặt không bị lên mùn, mà lại nhẹ vừa, chắc, bền không quá nặng như thớt gỗ nghiến mà bà con phía Bắc hay dùng. Có thể ví cây me cũng như tính cách người dân Nam bộ nhẹ nhàng, phóng khoáng nhưng khi cần cũng quyết liệt, dẻo dai, hữu dụng.

Ở TP.Biên Hòa bây giờ có nhiều con đường xanh ngắt bóng me, nhiều cây đã thành cổ thụ. Đường Trần Minh Trí, Huỳnh Văn Nghệ... và những con đường bao khu vực Văn miếu Trấn Biên trồng nhiều me. Vào mùa xuân, me thay lá, lớp lá non mơn mởn bên lá bánh tẻ xanh ngắt trông như từng lớp phấn mây bay.

Đâu là cây me cổ thụ, lâu đời nhất ở đất Biên Hòa có lẽ khó trả lời, nhưng gốc me già bên ngôi đền cổ thờ vị anh hùng có công với nước luôn để lại cảm xúc linh thiêng thành kính trong tôi. Cây me già dần cỗi theo thời gian, như một nhân chứng lặng lẽ trước những biến thiên của thời cuộc, ngàn con mắt lá vẫn không ngừng sinh nở, thay thế và dõi theo mỗi bước đi của lớp lớp người hậu thế.  

Phước Long Giang

Tin xem nhiều