Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoa Kỳ đại chiến Covid-19

10:04, 30/04/2020

7 nhân vật - gồm: chị Thanh Chung (nhân viên tổ chức quốc tế ở New York), Nguyễn Tri Phương Đông (họa sĩ đồ họa ở Houston), Emmy Nguyễn Crawford (giảng viên đại học ở St.Louis), Vũ Hường (trợ lý hành chính tại Florida), Thanh Thảo (ca sĩ ở Quận Cam - California), Annie An (chủ nhà hàng ở Seattle) và phi công Samuel Danielson (công tác ở New Jersey), gửi cho Đồng Nai Cuối tuần những câu chuyện của họ từ bốn bề đông-tây-nam-bắc Hoa Kỳ trong thời dịch bệnh Covid-19 tấn công cường quốc này.

7 nhân vật - gồm: chị Thanh Chung (nhân viên tổ chức quốc tế ở New York), Nguyễn Tri Phương Đông (họa sĩ đồ họa ở Houston), Emmy Nguyễn Crawford (giảng viên đại học ở St.Louis), Vũ Hường (trợ lý hành chính tại Florida), Thanh Thảo (ca sĩ ở Quận Cam - California), Annie An (chủ nhà hàng ở Seattle) và phi công Samuel Danielson (công tác ở New Jersey), gửi cho Đồng Nai Cuối tuần những câu chuyện của họ từ bốn bề đông-tây-nam-bắc Hoa Kỳ trong thời dịch bệnh Covid-19 tấn công cường quốc này.

Hơn 1 triệu người nhiễm Covid-19 ở Mỹ. Bản đồ tình hình lây nhiễm Covid-19 ở Mỹ khi vượt qua cột mốc 1 triệu người mắc bệnh từ hôm 29-4. Mỗi khu vực có số người nhiễm nhiều hay ít được thể hiện theo các cấp độ màu sắc đậm, nhạt. Nguồn: Johns Hopkins CSSE. Đồ họa: The Guardian
Hơn 1 triệu người nhiễm Covid-19 ở Mỹ. Bản đồ tình hình lây nhiễm Covid-19 ở Mỹ khi vượt qua cột mốc 1 triệu người mắc bệnh từ hôm 29-4. Mỗi khu vực có số người nhiễm nhiều hay ít được thể hiện theo các cấp độ màu sắc đậm, nhạt. Nguồn: Johns Hopkins CSSE. Đồ họa: The Guardian

SEATTLE: Ngắm hoa “lệ rơi”

Tiểu bang Washington nơi tôi ở chính là nơi có ca tử vong đầu tiên do Covid-19 gây ra ở Mỹ, rồi sau đó có 2 người Mỹ gốc Việt đầu tiên tử vong vì Covid-19 cũng ở đây, nên khỏi phải nói cộng đồng vùng này bất an không yên thế nào về đại dịch. Hai nhà hàng món Việt của tôi đang kinh doanh ở TP.Seattle phải đóng cửa khiến tôi vừa thất thu, vừa thấy rất nản vì thời gian trống trải ở nhà. Một tiệm được chủ miễn 2 tháng tiền thuê mặt bằng. Tiệm còn lại được hoãn nợ tới tháng 6. Dù vậy, các chi phí khác vẫn trả nên tôi tổn thất tài chính cũng nhiều.

Mọi thứ đều gây stress với mọi người trong mùa dịch, từ công ăn việc làm đình trệ, mua sắm ảnh hưởng, âu lo sức khỏe và “chóng mặt” với đủ loại bill (hóa đơn) tới hạn thanh toán... Chính vì vậy mà khi hoa anh đào nở rực khắp đường phố Seattle rất đẹp, mọi người cũng không hào hứng ngắm hoa, đi chơi như mọi năm. Bây giờ, tâm lý chung là ai cũng muốn sớm có vaccine ngừa Covid-19. Chỉ có vaccine mới giải quyết được căn cơ dịch bệnh, còn chuyện cách ly chỉ là biện pháp chữa cháy cấp thời. Tôi nghĩ sẽ rất khó trở lại cuộc sống hoàn toàn bình thường nếu chưa có vaccine.

Annie An (từ Seattle)

QUẬN CAM - CALIFORNIA - Hát ca tại nhà

Mùa này ở Quận Cam - nơi có đông cộng đồng người Việt sinh sống nhất tại Mỹ - thật yên tĩnh, vắng vẻ hơn sự náo nhiệt vốn có. Người gốc Việt bị ảnh hưởng nhiều, nhất là các cơ sở thương mại, ngành dịch vụ, đặc biệt là các nhà hàng, tiệm nails, ngành chăm sóc sắc đẹp. Dịch bệnh khiến những nghệ sĩ như tôi mất nhiều show diễn bị hủy từ cuối tháng 3 đến tận tháng 10-2020! Lịch diễn tháng 11 còn phải “waiting” (chờ). Ca sĩ mà không có show hát là không có thu nhập. Bù lại, tôi ở nhà chăm sóc mấy đứa trẻ, rồi lên mạng hát bù để “xả stress”. Được khán giả yêu thích và động viên nồng nhiệt nên tôi dựng luôn phòng thu “dã chiến” tại nhà để hát livestream vào mỗi tối thứ bảy phục vụ qua mạng cho fan ái mộ. Các fan ở nhà có nhiều nhu cầu giải trí, xem nghe qua mạng để bù đắp tâm lý “chồn chân”.

Tôi hát lại nhiều ca khúc “ăn khách” ngày xưa, những bài tôi thích hát và cả hát “nhạc chế” lại lời cho mọi người vui vẻ. Như tôi hát ca khúc Biết đến bao giờ của nhạc sĩ Lam Phương với lời mới thật vui là:

“Cầu cho virus không bám dính vào phổi ta

Dù một ngày thật dài, ra vào ăn uống hoài

Nhưng ta yên tâm hơn, miễn là không ở nhà thương

Thà ta no tròn tí xíu, nhưng đâu đến nỗi phì nhiêu

Cuộc đời vẫn lắm người thương yêu, và biết bao nuông chiều”.

Ca sĩ Thanh Thảo (từ Quận Cam - California)

HOUSTON - Chỗ làm thân thương

Buổi tối. Thời Covid-19. Đón tháng 5. Dịch bệnh khiến ta bắt đầu bữa ăn tối trong gia đình bằng việc hỏi nhau những câu có vị đắng “nhiễm nhiêu, chết nhiêu?”. Một an ủi: cả nhà chuyển sang ăn cơm nấu từng bữa nóng sốt thường xuyên hơn, thay vì tuần chỉ nấu… 2-3 lần. Bà con Việt ta đi đâu cũng quen nếp lo xa từ thời chống bão lũ: tích trữ 5-7 chục kg gạo, giấy vệ sinh dùng cả năm chưa hết.

Một gia đình người Việt cư ngụ tại Nam Cali tận hưởng tiết trời mùa xuân ấm áp trong những ngày ở nhà phòng chống dịch bệnh Covid-19 Ảnh: HÀ KIN chụp cho Đồng Nai Cuối tuần
Một gia đình người Việt cư ngụ tại Nam Cali tận hưởng tiết trời mùa xuân ấm áp trong những ngày ở nhà phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: HÀ KIN chụp cho Đồng Nai Cuối tuần

Mọi người vẫn yên vị tại nhà, như… cua trong hang. Dân Mỹ hiểu thêm thành ngữ “Home sweet home” (Tổ ấm ngọt ngào) còn thêm nghĩa “Home sweet office” (Phòng làm việc thân thương). Như nghề tôi làm online, ở nhà chả khác công ty, nên gần như không bị ảnh hưởng vì dịch. Chỉ có điều khách hàng bớt giao dịch và đặt hàng hơn trước. Tôi làm việc, rồi gọi Facetime thăm cháu bên Cali. Phòng bên trái trong nhà của bà xã thì nghe tiếng Quỳnh búp bê vọng ra từ TV, rồi tiếng ồn ào của Người phán xử tập đầu. Phòng bên phải, bà cụ tuổi 80 gật gù lim dim với các câu thoại ngôn tình trong Hạ cánh nơi anh trên YouTube!

Tôi viết mấy dòng này tại Hạt Harris, thủ phủ là TP.Houston (bang Texas) khi các con số người nhiễm virus và thiệt mạng ở địa phương đã giảm biến thiên. Sau dịch, mọi thứ sẽ đổi thay? Tôi và nhiều người đinh ninh như thế.

Nguyễn Tri Phương Đông (từ Houston)

ST.LOUIS - Khẩu trang tình người

Câu chuyện mà tôi muốn nói nhất đó là sự khác biệt về văn hóa khẩu trang. Dịch Covid-19 bùng phát cũng có phần do người Mỹ vốn xem việc đeo khẩu trang nơi công cộng là điều khá lạ lẫm, nói đúng hơn là “quái dị”. Thấy ai đeo khẩu trang thì xung quanh đều nhìn một cách khó chịu và tránh xa bởi tư tưởng của họ là chỉ người bệnh mới đeo khẩu trang. Đến khi được khuyến cáo phải đeo khẩu trang chống Covid-19 thì ai nấy mới bận tâm đi mua và mặt hàng này trở nên khan hiếm.

Một chuyện khác, người Mỹ ban đầu sở dĩ chủ quan cũng vì họ quá quen với bệnh cúm mùa hằng năm với số người thiệt mạng không hề ít (có thể tới 60 ngàn người chết/năm). Khi “nếm mùi thương đau” vì chủng virus mới, Mỹ mới tiến hành nhiều biện pháp mạnh để chống dịch, đồng thời dốc lực nghiên cứu vaccine. Em chồng tôi làm bác sĩ, hằng ngày phải chăm sóc trực tiếp những bệnh nhân bị Covid-19, cô hiểu rằng việc bị lây nhiễm đối với cô ấy chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Cô kể hàng đêm lo lắng đến mất ngủ vì sợ lỡ may qua đời vì Covid-19 thì bỏ lại một mình người chồng phải chăm sóc hai con còn thơ. Khi biết bệnh viện cô ấy làm thiếu hụt khẩu trang, tôi đã cậy nhờ Hội Người Việt ở
TP.St.Louis quyên góp từ các tiệm nails người Việt để tặng 16 ngàn khẩu trang, bao tay cho bệnh viện. Nhiều người ở nhà còn may khẩu trang tặng cho các viện dưỡng lão, cơ sở y tế hoặc phòng cảnh sát, lính cứu hỏa, những người đứng nơi tuyến đầu chống dịch.

Emmy Nguyễn Crawford (từ St.Louis, bang Missouri)

FLORIDA - Chuyện đó có ai ngờ

Mới tháng 3 tôi còn vi vu lái xe 8 tiếng đi đến tận Key West (nơi kết thúc quốc lộ US 1, tạm xem là cực nam của Mỹ ở Florida) để nghỉ mát, giải trí với lễ hội âm nhạc đường phố… Thế rồi, đại dịch Covid-19 tràn tới, Key West bị buộc “lockdown” (đóng cửa) toàn bộ. Chuyện đời chả ai ngờ. Không khó để tưởng tượng thành phố đó thiệt hại thế nào vì lâu nay tất cả đều sống dựa vào khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Các khu vui chơi giải trí có Disney World ở Orlando, đều đóng cửa dẫn đến việc thất nghiệp ngay lập tức của phần đông dân Florida (đa phần là người về hưu và dân lao động ngành du lịch). Chị bạn Hạnh Master của tôi có một doanh nghiệp phân phối bánh mì lập tức bị rớt… 80% doanh số. Từ chỗ làm chủ, thoắt cái chị làm đơn gia nhập “đội quân” thất nghiệp.

Nhưng cũng có cơ hội trong cơn khốn khó. Dân Mỹ sành ăn uống, gặp thời cách ly xem ra vẫn không thể ngừng… ăn. Thiên hạ vẫn đến nhà hàng, tiệm ăn gọi món mang về. Nhà hàng chuyển sang bán “To go” (Mang đi) cũng bình ổn lượng khách mua. Jennifer Nguyễn, cô bạn của tôi làm chủ 2 nhà hàng Việt Nam có tiếng tại Florida Pho Bowl Express tiết lộ doanh thu khá ổn định so với thời gian trước dịch bệnh.

Công ty dịch vụ vận chuyển cao cấp mà tôi đang làm bị ảnh hưởng nặng nề. Tôi làm đơn xin trợ cấp trong thời gian ngưng việc vì đây là quyền lợi của mọi người làm việc có đóng thuế. Trợ cấp thất nghiệp kéo dài tối đa 12 tuần với mức 275 USD/tuần. Tôi còn nhận thêm 600 USD tự rót vào tài khoản nữa từ gói kích cầu kinh tế khắc phục đại dịch của Chính phủ liên bang. Thế nên âu lo gì cũng vậy thôi, cứ siêng ra biển chạy bộ rồi ghé nhà bạn bè đổ bánh xèo cái đã.

Vũ Hường (từ Florida)

NEW JERSEY - Chim sắt ngừng bay

Dịch bệnh khiến hơn 90% chuyến bay ở Mỹ bị cắt, đa số các “chim sắt” ngừng bay đỗ kín phi trường. Các phi công được chọn giữa việc nghỉ hẳn tại nhà 3 tháng và nhận 50% lương hoặc phương án “reserve schedule” (tức khi nào hãng kêu thì sẽ đi bay). Tôi rất nhớ bầu trời, nhớ không khí lúc nào cũng tấp nập, năng động của sân bay. Nhưng nếu phải đi bay trong lúc này cũng rất lo lắng và nguy hiểm vì dịch bệnh (đồng nghiệp tôi đã bị nhiễm virus SARS-Cov-2 mà không biết từ khi nào và lây ở đâu). Khi về nhà, tôi phải để giày dép, vali, đồng phục ở bên ngoài cửa và xịt khử trùng hết.

Các phi công kỳ cựu lẫn trẻ tuổi cùng chia sẻ, động viên và xem có thể giúp đỡ được gì nhau hay không qua những group chat. Phi công sắp về hưu tình nguyện về hưu sớm hơn để “nhường” lại công việc cho các lớp phi công trẻ hơn. Các bà vợ phi công cũng kết nối, gửi tặng nhau dung dịch rửa tay, khử trùng… Vợ chồng tôi dành thời gian rảnh này khởi động được dự án gây quỹ hỗ trợ trẻ em Việt Nam khó khăn có cơ hội học tiếng Anh. Chúng tôi rất vui vì ngay bước đầu đã được nhiều bè bạn, đồng nghiệp, hàng xóm ủng hộ.

Samuel Danielson (từ sân bay quốc tế Newark Liberty, New Jersey)

NEW YORK - Con tôi bị nhiễm Covid-19

“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng...” - cứ mỗi sáng thức dậy, tôi thấy mình còn thở nhẹ bình thường, không ho, không sốt là biết mình còn chưa bị nhiễm Covid-19. Giờ nghe chuông điện thoại thôi cũng có phần… ám ảnh. Sợ nghe ở đầu dây đằng kia một tiếng ho, hắt hơi hay một tin tức không mong đợi.

Chị Thanh Chung thăm con gái Linh Chi qua ngăn kính cách ly
Chị Thanh Chung thăm con gái Linh Chi qua ngăn kính cách ly

* Hung thần Covid-19

Con gái gọi điện báo ốm. Lúc ấy, chưa có thông tin đầy đủ về các triệu chứng của Covid-19 nên nhiều người bị đau đầu, sổ mũi, nhức mỏi thường nghĩ đến cúm mùa. Với linh cảm người mẹ, tôi dặn con uống nước ấm liên tục và chịu khó tập các động tác thể dục liên quan đến đường hô hấp. Ngày cuối tuần, vợ chồng quyết định ghé qua tặng quà sinh nhật sớm cho con. Dù lúc đó chưa có xét nghiệm và các triệu chứng chưa nổi bật, con gái vẫn kiên quyết không ra gặp mặt. Tôi đành để đồ ngoài cửa rồi lên xe ngồi chờ. Trên đường về, nhận được tin nhắn cảm ơn của con. Bắt đầu những ngày “ngồi trên đống lửa”.

Buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên là cầm điện thoại và nhắn hỏi đêm qua con ngủ được không. Sau đó là khoảng thời gian chờ đợi dài hơn thế kỷ. Không dám gọi điện vì sợ nhỡ con đang ngủ say. Ngày nào con gái cũng bảo: “Em ổn. Mẹ đừng lo lắng gì nhé”. Cho đến một hôm, con gái trả lời tin nhắn rất muộn. Hóa ra đêm hôm trước con bị sốt, khó thở, đau ngực, nên con rể đã đưa vợ đến bệnh viện. Sau khi kiểm tra, chiếu chụp, các bác sĩ kê đơn thuốc rồi cho về tự cách ly tại nhà vì đã có đầy đủ các triệu chứng của Covid-19. Bệnh viện chỉ dành cho các bệnh nhân nặng, cần sự can thiệp và chăm sóc của nhân viên y tế. Nếu mấy ngày trước, tôi còn “bấu víu” vào bệnh cúm mùa để tự trấn an thì bây giờ nỗi sợ hãi như thể cầm nắm được trong tay. Ngày nào cũng chờ tin nhắn của con. Lúc nào cũng sợ có tiếng chuông điện thoại từ số lạ.

New York những ngày ấy số ca nhiễm mới và con số thống kê tử vong vì Covid-19 tăng từng giờ. Còi xe cứu thương và cứu hỏa rú lên liên tục. Tôi làm việc tại nhà, hầu như ngày nào sếp và đồng nghiệp cũng gọi điện hỏi thăm nhau. Cứ nhắc đến con gái là tôi lã chã nước mắt. Anh xã giục nấu đồ ăn mang đến cho con. Nhưng lần nào định đi, con gái cũng không cho tôi ra khỏi nhà. Có hôm con gái nhắn tin “con vừa ăn cơm với trứng”. Thương con thắt cả ruột gan. Cuối cùng vợ chồng quyết định lẳng lặng đem đồ ăn để ngoài cửa. Đến nơi mới nhắn tin để con hết đường chối từ. Ngày con gái thông báo: “Lần đầu tiên sau 2 tuần, con cảm thấy đói”, tôi thấy như ai vừa nhấc khỏi ngực mình tảng đá to. Cuối tuần, tôi mang chả nem đến cho con. Con gái đeo khẩu trang, chạm tay tôi qua cửa kính. Ơn giời, Phật, tổ tiên, ông bà đã giúp con đi qua đợt dịch.

* Cái chết cô đơn nhất

Nhiều người thân của bạn bè tôi nhiễm Covid-19 đều bị tăng huyết áp, đau đầu, chóng mặt, bị chứng máu đông dẫn đến đột quỵ. Ngoài việc tấn công vào hệ hô hấp, Covid-19 còn gây tác hại đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể như tim, thận và não. Những người trở nặng phải thở máy chỉ có 20% cơ hội thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Ai cũng biết chết vì Covid-19 là cái chết cô đơn nhất. Từ lúc nhập viện cho đến khi về với Chúa, bệnh nhân không được gặp người thân. Các nhà tang lễ và công ty nghĩa trang quá tải. Một phụ nữ ở Brooklyn cho biết người thân của bà đã mất vì virus song phải chờ đến giữa tháng 5 tới may ra mới được chôn cất tử tế.

Giữa tâm dịch và áp lực chồng chất, một số y tá nhân hậu cố gắng FaceTime (cuộc gọi video qua điện thoại) với người nhà bệnh nhân. Có cô y tá nắm tay một cụ bà bệnh nhân Covid-19, áp chiếc điện thoại lên má để bà cảm nhận được nụ hôn từ xa của người con trai và nghe lần cuối cùng bản nhạc bà yêu thích. Những người con của bà không cầm được nước mắt khi biết mẹ mình thiếp ngủ ngàn thu ngay sau đó.

Thanh Chung (từ New York)

 Tổ chức thực hiện: Trung Nghĩa

Tin xem nhiều