Báo Đồng Nai điện tử
En

Hai-mươi-bảy

04:04, 10/04/2020

Tập truyện ngắn hai-mươi-bảy (Phục Hưng Books và NXB Thế giới ấn hành) được tác giả Đặng Huỳnh Mai Anh viết "từ những đêm ngồi một mình, những lúc ngồi ở sân bay và những cuối tuần" tại các thành phố: London, Singapore, Jakarta, Sài Gòn và Đà Lạt từ giữa cuối năm 2019, khi Mai Anh 27 tuổi.

Tập truyện ngắn hai-mươi-bảy (Phục Hưng Books và NXB Thế giới ấn hành) được tác giả Đặng Huỳnh Mai Anh viết “từ những đêm ngồi một mình, những lúc ngồi ở sân bay và những cuối tuần” tại các thành phố: London, Singapore, Jakarta, Sài Gòn và Đà Lạt từ giữa cuối năm 2019, khi Mai Anh 27 tuổi.

* Cảm hứng để Mai Anh viết truyện thường đến từ đâu? Vì sao bạn chọn in tập truyện ngắn mà không là truyện dài như cuốn sách đầu tay (Mùa hè năm ấy - 2016)?

- Tôi dành phần lớn thời gian trong một ngày để suy nghĩ. Lúc rửa mặt buổi sáng, hay lúc rửa chén buổi tối, tôi luôn giữ trong đầu mình điều gì đó: Từ giáo dục, hướng nghiệp, kinh tế - xã hội đến bản chất con người và mưu cầu hạnh phúc. Các suy nghĩ đó tích tụ dần đến một lúc đầu tôi sẽ “nổ tung” nếu tôi không tìm cách viết nó ra. Tập truyện hai-mươi-bảy được viết khi tôi muốn lùi lại và thử nhìn những băn khoăn của bản thân ở một hình thái khái quát hơn. Có lẽ vì tính “khái quát” đó, các nhân vật trong tập truyện không có tên riêng, không cụ thể về giới tính và nhân dạng.

Tôi mong mỗi bạn đọc đều có thể “ghép” vào đó chính họ hoặc ai đó họ quen biết. Có quá nhiều lát cắt, quá nhiều bản ngã mà tôi muốn lột tả, để gom thành nhân vật chính trung tâm và một cốt truyện xuyên suốt. Dù vậy, lúc đặt bút viết, tôi đã nghĩ sẽ thú vị nếu bây giờ mình viết một tập truyện ngắn mà tự mỗi truyện có thể đứng riêng, để bạn đọc có thể bất thình lình mở ra một truyện bất kỳ và đọc, nhưng chúng trọn vẹn nhất khi đứng chung, liên quan lẫn nhau mà nếu đọc lại, đọc xuyên suốt như kiểu đọc một truyện dài thì bạn đọc vẫn thấy hợp lý.

* Viết có ý nghĩa như thế nào với bạn?

- Những năm qua, tôi luôn sống một mình, rất nhiều lần thấy mình đến một thành phố mới và không có cái tên nào quen trong điện thoại. Tôi có rất ít người để trò chuyện. Tôi có khi quên cả giọng nói của mình. Khi đó, viết là tiếng nói của tôi, một tiếng nói được lắng nghe. Các bạn đọc của tôi, họ luôn ở đó, luôn dõi theo.

Với hai-mươi-bảy, tôi muốn kể những câu chuyện từ tưởng tượng hơn là góp nhặt từ những cụ thể cuộc sống tôi (thật ra cuộc sống của tôi cũng quá lặng lẽ). Tôi đã viết bằng cảm hứng muốn “Thoát khỏi hiện thực cụ thể của chính mình”. Tôi cho phép mình thể nghiệm, thử viết từ lãng mạn, hóm hỉnh đến khoa học viễn tưởng, hồi hộp gay cấn.

* “Trong tôi có hai con người: Con người của số liệu và con người của chữ nghĩa” - trích từ sách bạn viết. Bạn dung hòa điều này như thế nào?

-  Việc viết và nghề nghiệp chính của tôi không liên quan gì đến nhau, điều đó tạo nên sự bất ngờ (và đôi khi là hoài nghi)  với không ít người tôi gặp. Khi làm công việc với số liệu, nửa “Tác giả” trong tôi thấy sự ly kỳ trong những con số, tôi thấy một câu chuyện trong mỗi phân tích. Phần “Tác giả” không cho phép tôi kể một câu chuyện nhàm chán và khô khan, dù bằng số hay chữ, phải giữ được sự ly kỳ và hứng thú. Trong truyện Nhị-Phân, tôi đề cập đến những vấn đề mà tôi tin nhiều bạn đọc sẽ đồng cảm:

Đầu tiên là, ảnh hưởng của định kiến của người khác lên số phận của cá nhân. Liệu cuộc sống và những định kiến có “cho phép” chúng ta được khác biệt, cụ thể khác biệt ở đây là cùng giỏi nhiều thứ không liên quan, và mang trong mình cùng lúc hai bản chất tưởng là đối lập? Tiếp theo là, mối tương quan giữa: Công việc, Sự nghiệp, và sự Thôi thúc. “Công việc” là điều ta phải làm để nuôi thân, “Sự nghiệp” là thứ cho ta sự thỏa mãn khi thăng tiến. Còn “Thôi thúc”? Nó là điều ta muốn làm dù nó không nuôi sống được ta, không có sự thăng tiến rõ ràng. Nó là điều gì cứ âm ỉ ở đó: “Nó sống dai như trùm cuối” (trích Nhị-Phân).

Trong thực tế, nhà-khoa-học và tác-giả trong tôi là “Nhị-hợp”, chứ không phải “Nhị-Phân”. Khoa học ảnh hưởng nhiều đến tư duy và triết lý sống của tôi, vì thế tôi cũng viết bằng màu sắc của một nhà khoa học. Ở chiều còn lại, với vai trò “Tác giả”, tôi biết đâu sẽ minh oan được cho “Khoa học” -
điều tôi yêu mến và quan tâm, rằng Khoa học không hề khô khan, nó có thể lãng mạn, ly kỳ và rất nhân văn. Bạn đọc sẽ thấy phần nào nỗ lực “minh oan” đó trong hai-mươi-bảy, kể cả khi viết về Khoa học dữ liệu, Học máy - Trí tuệ nhân tạo, hay Lý thuyết trò chơi, tôi vẫn thấy màu sắc lãng mạn trong đó. Những điều đó có thể là chất liệu văn học.    

Mai Anh sinh năm 1992, là Đại sứ môi trường toàn cầu năm 2012 và là Giám đốc Give2give - dự án đào tạo tiếng Anh cho các tình nguyện viên công tác xã hội. Tốt nghiệp thủ khoa cả hai chương trình đào tạo thạc sĩ: Chương trình Chính sách kinh tế tại Trường đại học Westminster, London - Anh (học bổng toàn phần của nhà trường) và chương trình Kinh tế học tại Toulouse School of Economics (học bổng Eiffel của Chính phủ Pháp). Hiện cô là Nhà khoa học dữ liệu (Data Scientist).

Mai Anh không chỉ viết, mà còn tự mình vẽ minh họa các nội dung trong sách, khiến quyển sách trở thành một sản phẩm mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân. Cô cho rằng đây là “một quyển sách viết cho những gai nhọn và mật ngọt của tuổi trẻ, mỗi người đọc vào lại thấy một lớp ý nghĩa khác nhau trong cả cuốn sách và từng truyện, mỗi người thấy những màu sắc và cảm giác khác nhau, tìm thấy tiếng lòng mình trong quyển sách này”. Với 9 câu chuyện trong hai-mươi-bảy, tác giả gợi mở người trẻ ở độ tuổi chông chênh giữa đam mê và thực tại như… 27, thử “dành thời gian cho bản thân và đối thoại với chính mình”, đi tìm ý nghĩa sống, với cuối cùng là “con đường tìm về những tổn thương sâu kín nhất, và tự chữa lành bằng hy vọng và lòng hướng thiện”.

Với tâm niệm: “Chính trong tăm tối nhất, lòng tốt và tình người lại rực sáng hơn bao giờ hết”, tác giả dành toàn bộ số tiền nhuận bút sách để góp phần hỗ trợ Quỹ Chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, đồng thời dành đầu tư cho dự án về giáo dục và sáng tạo dự kiến khởi đầu vào cuối năm 2020.

Yến Thanh (thực hiện)

Tin xem nhiều