Nhóm du khách Hàn Quốc chê bánh mì Việt được phát ở điểm cách ly, một số bệnh nhân Covid-19 khai báo thiếu trung thực, cô Việt kiều từ Ba Lan to tiếng ở sân bay Nội Bài, một ý kiến từ khu cách ly ở Q.8, TP.HCM yêu cầu tiếp tế nho Mỹ, táo New Zealand… đã nhanh chóng bị "ném đá" không thương tiếc trên mạng xã hội trong tháng 3 vừa qua.
Nhóm du khách Hàn Quốc chê bánh mì Việt được phát ở điểm cách ly, một số bệnh nhân Covid-19 khai báo thiếu trung thực, cô Việt kiều từ Ba Lan to tiếng ở sân bay Nội Bài, một ý kiến từ khu cách ly ở Q.8, TP.HCM yêu cầu tiếp tế nho Mỹ, táo New Zealand… đã nhanh chóng bị “ném đá” không thương tiếc trên mạng xã hội trong tháng 3 vừa qua.
Nhưng “gạch đá” trên mạng xã hội thời gian qua không chỉ có những trường hợp ấy. Nhiều lắm, khó mà kể hết. Một cô giáo làm thơ ca ngợi những người chống dịch, hai anh thanh niên đề xuất cách ký âm mới cho tiếng Việt… cũng trở thành đối tượng của hiện tượng “ném đá” tập thể.
* Ai cũng có thể là nạn nhân
Cơ chế tự do xuất bản và tâm lý đám đông trên môi trường truyền thông xã hội phát sinh hiện tượng tấn công cá nhân mà chúng ta quen gọi là “ném đá”… Từ “ném đá” có lẽ phái sinh lâu rồi qua thành ngữ “ném đá giấu tay”. Nhưng trước đây, “ném đá” được hiểu là hành vi gây hại có chủ đích. Còn thời Facebook, “ném đá” còn có nghĩa là chê cho... sướng, chửi theo phong trào, theo đám đông. Mạng xã hội là không gian dung dưỡng cái xấu khi sơ hở của bất cứ ai cũng dễ trở thành “miếng mồi” ngon để “cộng đồng mạng” lên án, chỉ trích.
Vua bóng đá Pele và hậu cảnh tấm hình có những lá cờ của phát xít Đức - bối cảnh một bộ phim năm 1981 |
Trong bức ảnh là một người nổi tiếng ai cũng biết: Vua bóng đá Pele. Nhưng hậu cảnh tấm hình có những lá cờ của phát xít Đức. Ảnh này có bị photoshop không? Thưa không, ảnh thật hoàn toàn! Ủa sao kỳ vậy? Pele sinh năm 1940, khi ông 5 tuổi, Chiến tranh thế giới thứ 2 đã kết thúc rồi mà? Thực ra, đây là khoảnh khắc Pele nghỉ ngơi trên một sân vận động lúc ông… đóng phim năm 1981. Bối cảnh chụp là bối cảnh được dàn dựng cho một bộ phim mà kịch bản lấy cảm hứng từ trận đấu “tử thần” giữa CLB Dynamo Kyev và lính Đức quốc xã khi Ukraine đang bị quân phát xít chiếm đóng. Bộ phim đó có tên là Escape to Victory. Trong phim, Pele vào vai một tù nhân da đen tên là Luis Fernandez - một tù nhân chơi bóng giỏi. Khi bức ảnh này được một người nào đó đưa lên mạng, hàng ngàn người vào comment chửi bới Pele.
Một trường hợp khác, câu chuyện cũng thật buồn cười. Chuyện cũng bắt đầu từ một tấm hình sau:
Đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg chụp với mô hình con khủng long trong thời gian thực hiện bộ phim Công viên kỷ Jura (Jurassic Park) năm 1992 |
Trong ảnh là đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg chụp với mô hình con khủng long trong thời gian thực hiện bộ phim Công viên kỷ Jura (Jurassic Park) năm 1992. 22 năm sau khi bức ảnh được chụp, năm 2014, một người tên là Jay Branscomb đưa nó lên Facebook kèm với lời bình tếu táo, cốt làm trò đùa: “Một hình ảnh đáng xấu hổ của tay thợ săn khi tạo dáng bên cạnh một con khủng long anh ta vừa giết. Xin hãy chia sẻ tấm hình đó để cả thế giới lên án người đàn ông hèn hạ này!”.
Status “thợ săn Steven Spielberg” đã thu hút hơn 6.300 ý kiến chửi rủa của “cộng đồng mạng” và báo chí cũng vào cuộc. Rất nhiều người - có cả người nổi tiếng - vào comment đòi tẩy chay phim của Steven Spielberg.
Loài khủng long đã tuyệt diệt từ cách đây gần 70 triệu năm. Nhưng cư dân mạng vốn “tay nhanh hơn não” vừa xem tấm ảnh đã nhảy vào “ném đá” do không nhận ra status kia là một trò đùa và đã gán cho vị đạo diễn đáng kính kia những từ nặng nề như “vô nhân đạo”, “kinh tởm” hay “sát thủ máu lạnh”.
* Đúng sai gì cũng “chửi” được
Rất nhiều người đáng kính, khi phát biểu trên báo chí, đã bị những kẻ ác ý cắt xén phát biểu rồi ghép với một tấm hình để post lên mạng khởi đầu cho trào lưu “tổng sỉ vả”. Giáo sư, nghệ sĩ, cán bộ nhà nước… không một ai mà thoát được.
Tranh biếm họa về chuyện “ném đá” trên mạng xã hội của họa sĩ DAD. Nguồn: Báo Tuổi Trẻ |
Nhiều tấm ảnh bình thường khi đưa lên mạng cũng thành đề tài “ném đá” của số đông. Một nữ sinh viên đăng tấm hình dự sinh nhật cùng nhóm bạn tại một trung tâm thương mại sang trọng lên Facebook. Ngay sau đó, chị nhận được những bình luận chê bai nặng nề: nào là không có trách nhiệm với xã hội, trong lúc người dân miền Trung bị lũ lụt thì lại đi ăn uống xa xỉ. Nhưng thực tế, bạn sinh viên này từng tham gia mùa hè xanh, các CLB, đội nhóm tình nguyện, không hề vô cảm, dửng dưng như những gì mà họ quy kết, lên án.
Chuyện “ném đá” trên mạng có khi gây ra hậu quả nặng nề như vụ nữ sinh 15 tuổi ở H.Cẩm Mỹ bị người yêu cũ tung clip sex lên mạng đã uống thuốc tự tử vì bị chỉ trích lăng loàn, ngu si... Khi đám đông hung hãn cùng hùa vào lên án một cách độc ác như thế, cô bé này đã không chịu nổi “búa rìu” dư luận!
Hiện tượng “ném đá” trên mạng giờ đây cũng có nhiều biến tướng: “ném đá” lại những người “ném đá”. Ai cũng ném, việc gì cũng ném, nhất cử nhất động của bất cứ người nào, dù nổi tiếng hay chưa, khi đưa lên mạng đều dễ dàng, nhanh chóng trở thành đối tượng bị “ném đá”. Không chỉ “ném đá” lẻ tẻ, các “anh hùng bàn phím” còn hiệu triệu nhau ném hội đồng. Nhiều fanpage, group được lập ra trên mạng để nói xấu những người cụ thể, trong đó có cả thầy cô, nghệ sĩ hay quan chức.
* “Ném đá” là tự ném vào chính mình
Nếu “ném đá” chỉ là phê bình, phê phán, phản đối những cái chưa được, không đẹp hoặc xấu xí của một cá nhân, tổ chức nào đó nhằm mang lại sự thay đổi tích cực thì đó là điều cần thiết vì cuộc sống muốn phát triển cần sự phản biện đa chiều. Và, người làm công việc ấy ít nhiều cũng góp phần cải thiện xã hội, hoặc giúp mình lưu ý về những gì đang diễn ra không đẹp để có ý thức tránh và sống tốt lên.
Tuy nhiên, hiện tượng “ném đá” mà chúng ta đang đề cập là một biến tướng độc hại của phê bình. Bên cạnh số đông “chửi cho vui”, với nhiều người khác cho rằng việc miệt thị một người là... cần thiết! “Ném đá” kiểu đó chính là bạo lực (mạng xã hội cho phép dùng nick ảo nên không ít người say sưa “ném đá giấu tay”).
Những người gặp đâu cũng chửi vì họ thiếu một chính kiến, thiếu một sự tự tin cần thiết cũng như sự cân nhắc trong việc làm đó. Họ dễ hùa theo đám đông thích “đấm đánh” người khác.
Đừng ngụy biện rằng cái xấu cần được lên án để bị bài trừ và xem “phím chiến” cũng là một hình thức đấu tranh nếu chúng ta chưa đủ bản lĩnh và hiểu biết cách ứng xử văn minh trên mạng. Chính những lời nói, câu chữ, hành vi kém văn hóa, hung hăng không điểm dừng cũng đang biến chính mình thành kẻ xấu. Đừng tự đồng hóa mình với cái xấu. Đừng tự biến mình thành kẻ độc ác.
Không ai cấm chúng ta phê bình người khác nhưng cần nhớ, “lời nói đọi máu” nếu chúng ta sai và gây hậu quả xấu. Pháp luật hình sự có thể xử lý chuyện xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác.
Hãy luôn nhớ “lời nói gió bay” chỉ có ở không gian thật. Còn ở không gian mạng, tất cả phát ngôn của chúng ta đều để lại dấu vết ngay cả khi bạn xóa nó đi rồi! |
Phú Trang