Báo Đồng Nai điện tử
En

Cùng giáo viên trường tư vượt khó

11:04, 11/04/2020

Trong khoảng thời gian này, các trường tiếp tục cho học sinh nghỉ học để phòng dịch Covid-19. Trong hoàn cảnh này, các trường tư thục gặp nhiều khó khăn do không có nguồn thu, trong khi vẫn phải trang trải nhiều chi phí.

Trong khoảng thời gian này, các trường tiếp tục cho học sinh nghỉ học để phòng dịch Covid-19. Trong hoàn cảnh này, các trường tư thục gặp nhiều khó khăn do không có nguồn thu, trong khi vẫn phải trang trải nhiều chi phí.

Ảnh hưởng từ dịch bệnh, các trường đóng cửa, cuộc sống giáo viên trường tư thục gặp khó khăn
Ảnh hưởng từ dịch bệnh, các trường đóng cửa, cuộc sống giáo viên trường tư thục gặp khó khăn

Thu nhập của giáo viên các trường tư thục cũng giảm đáng kể, nhiều người đã chủ động tìm công việc làm thêm để ổn định cuộc sống gia đình trong thời dịch. Các cấp Công đoàn đã luôn sâu sát, quan tâm, động viên; nhiều trường cũng nỗ lực hỗ trợ, sẻ chia với giáo viên trong khả năng có thể…

* Nỗ lực vượt qua khó khăn

Từ khi học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh, tạm nghỉ dạy, thu nhập giảm hẳn nên cuộc sống của cô Lang Thị Vân, giáo viên Nhóm trẻ tư thục Sơn Anh (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) gặp khó khăn.

Thấu hiểu dịch bệnh là khó khăn chung, thay vì than thở, hay đòi hỏi sự hỗ trợ, giáo viên các trường tư thục đã và đang tự nỗ lực tìm cách tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống. Họ luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh và dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, họ sẽ sớm được quay lại gắn bó với trường, với học sinh…

Để có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt gia đình, cô Vân đi làm công nhân thời vụ cho một công ty trong khu công nghiệp. Làm được 3 tuần, công ty này cũng đã cho tất cả công nhân thời vụ nghỉ việc do giảm đơn hàng. Cô Vân tiếp tục đi tìm công việc mới và may mắn được vào làm công nhân tại một xưởng may tư nhân cho đến nay.

Trong khi đó, chồng cô làm nghề lái xe tải. Nếu như trước đây, mỗi tháng chồng cô Vân chạy được khoảng hơn 30 chuyến, thu nhập tầm hơn 10 triệu đồng; thì nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập bấp bênh.

Dù vậy, cô Vân vẫn luôn lạc quan: “Dịch bệnh dẫn đến khó khăn chung, không riêng gì bản thân tôi. Cả đất nước, doanh nghiệp, chủ nhóm trẻ nơi tôi làm việc và nhiều cơ sở khác cũng đều đang khó khăn. Vì thế, thay vì kêu than, chờ đợi sự hỗ trợ, tôi xác định tôi phải chủ động tìm kiếm, sắp xếp công việc và cuộc sống của mình trong đại dịch. Mặt khác, còn tích cực chấp hành nghiêm các quy định, khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh. Cứ lạc quan và nỗ lực, khó khăn rồi cũng sẽ qua”.

Kể từ khi học sinh nghỉ học để phòng dịch Covid-19 đến nay, cuộc sống của cô Nga, giáo viên Trường mầm non tư thục Hoàn Long (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) trở nên chật vật hơn trước nhiều. Hơn 1 tháng nay, cô Nga tất bật đi lấy cá, khoai, tép khô, bắp… đem ra khu chợ gần nhà bán kiếm thêm thu nhập. “Không chỉ riêng trường tôi mà nhiều đồng nghiệp tại các trường mầm non tư thục khác mà tôi biết cũng đều chung hoàn cảnh như vậy. Chúng tôi đều xác định phải tự thân vận động vượt qua khó khăn đợt dịch. Khi dịch qua đi, tôi sẽ trở lại gắn bó với trường, với bọn trẻ” - cô Nga chia sẻ.

* Tích cực hỗ trợ, chia sẻ với giáo viên

Cô Nguyễn Thị Liễu, chủ Nhóm trẻ tư thục Sơn Anh bày tỏ, các trường, nhóm trẻ mầm non tư thục đều dựa vào thu học phí của học sinh để chi trả các hoạt động. Học sinh không đi học, không có nguồn thu, trong khi đó, các chi phí khác như thuê mặt bằng… đến ngày vẫn phải trả nên cơ sở gặp nhiều khó khăn. Nhóm trẻ của cô Liễu thành lập đến nay đã được 10 năm, có 6 giáo viên, đều là những người gắn bó lâu năm.

“Tôi coi các cô như người trong nhà. Nhìn các cô phải lăn lộn đủ cách mưu sinh, tôi cũng thương lắm. Ngặt nỗi, cuộc sống gia đình tôi cũng đều từ nhóm trẻ, nay không có nguồn thu, kinh tế gia đình cũng rất khó khăn. Hằng tháng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng và nhiều chi phí khác. Dù vậy, tôi cố gắng đóng tiền bảo hiểm đầy đủ, kịp thời cho các cô. Lúc trường hoạt động trở lại sau dịch, có nguồn thu, tôi sẽ nỗ lực hỗ trợ các cô thêm” - cô Liễu bộc bạch.

Cũng gặp nhiều khó khăn do không có nguồn thu, nhưng cô Nguyễn Thị Hà, chủ Nhóm trẻ tư thục Hoa Mai (P.Tam Phước) luôn tìm cách động viên, hỗ trợ các giáo viên. Với những cô giáo xa quê, thuê trọ, cô tạo điều kiện để họ chuyển về nhóm trẻ ở và hỗ trợ tiền ăn cho các cô.

Giáo viên nghỉ dạy, nhiều bậc phụ huynh vất vả hơn trong việc bố trí sắp xếp giữ con khi đi làm
Giáo viên nghỉ dạy, nhiều bậc phụ huynh vất vả hơn trong việc bố trí sắp xếp giữ con khi đi làm

Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Khương từ Hà Tĩnh vào dạy học tại nhóm trẻ của cô Hà hơn một năm nay, xúc động chia sẻ: “Thật sự học sinh nghỉ học, cô Hà cũng khó khăn chứ không chỉ giáo viên chúng tôi. Dù vậy, cô vẫn cố gắng hỗ trợ chỗ ăn, chỗ ở cho chúng tôi. Như vậy là chúng tôi đã thấy quý giá và biết ơn lắm rồi”.

Trong khi nhiều chủ trường, chủ nhóm trẻ tư thục tìm cách động viên, hỗ trợ giáo viên trong điều kiện của mình, các cấp Công đoàn nhiều nơi cũng tích cực phát huy vai trò đồng hành, sẻ chia cùng các giáo viên.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty CP Đinh Thuận (TP.Biên Hòa), nơi có hơn 200 đoàn viên là giáo viên đang giảng dạy tại các trường TH, THCS, THPT, trung cấp và mầm non thuộc công ty chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các trường đã cho gần 4 ngàn học sinh từ bậc mầm non đến THPT nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, từ đó giáo viên cũng tạm thời nghỉ dạy.

Để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên, Công đoàn đã chủ động, kịp thời thương lượng với Ban giám đốc công ty trả lương cho mỗi giáo viên bằng 1 tháng lương cơ bản. Dù việc học sinh nghỉ học cũng khiến các trường, công ty có phần khó khăn hơn, song Ban giám đốc thống nhất với Công đoàn, đây là nỗ lực cần thiết nhằm động viên, hỗ trợ và “giữ chân” người lao động (NLĐ) trong và sau đợt dịch bệnh.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Biên Hòa Đinh Công Hiệp cho hay, TP.Biên Hòa là địa bàn có đông công nhân lao động, do đó số lượng các trường mầm non và nhóm trẻ tư thục trên địa bàn rất lớn. Thời gian qua, cùng với sự quan tâm, sâu sát nắm bắt tình hình đời sống việc làm của NLĐ nói chung, Công đoàn thành phố chú trọng đến đối tượng là giáo viên các trường tư thục trên địa bàn.

Liên đoàn Lao động thành phố đã ban hành văn bản đến các đơn vị có CĐCS nhằm chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS phối hợp với chủ trường nỗ lực quan tâm thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ trong điều kiện có thể. Động viên giáo viên, nhân viên chia sẻ khó khăn với nhà trường và tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trên địa bàn thành phố hiện có 21 trường tư thục có CĐCS, thì 19/21 trường đã nỗ lực thương lượng với chủ trường hỗ trợ 1 tháng lương cơ bản/tháng cho các giáo viên. 2 đơn vị còn lại cũng như các trường, nhóm trẻ tư thục chưa có CĐCS, dù gặp khó khăn, song cũng tìm nhiều cách để hỗ trợ, động viên NLĐ trong khả năng như: hỗ trợ 1,5-2 triệu đồng/tháng, hỗ trợ nơi ở, tiền ăn, đóng bảo hiểm đầy đủ cho các giáo viên… Hiện Công đoàn vẫn đang nỗ lực phối hợp với ngành Giáo dục thành phố tìm cách quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn cho các giáo viên.

            Hồ Thảo

 

 

Tin xem nhiều