Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung sức xây dựng quê hương mạnh giàu

08:04, 25/04/2020

45 năm trôi qua, kể từ đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, vùng đất Đồng Nai nơi chiến trường "mưa bom bão đạn" năm xưa nay đã "thay da đổi thịt", vươn mình phát triển đầy ấn tượng.

45 năm trôi qua, kể từ đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, vùng đất Đồng Nai nơi chiến trường “mưa bom bão đạn” năm xưa nay đã “thay da đổi thịt”, vươn mình phát triển đầy ấn tượng.

Ông Đặng Tường Khanh,  Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) nỗ lực đưa sản phẩm nông nghiệp Đồng Nai ra thế giới Ảnh: H.LỘC
Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) nỗ lực đưa sản phẩm nông nghiệp Đồng Nai ra thế giới. Ảnh: H.LỘC

Tiếp nối truyền thống anh dũng kiên cường của vùng đất “gian lao mà anh dũng”, những thế hệ người Đồng Nai hôm nay đang đoàn kết chung sức, chung lòng xây dựng quê hương giàu mạnh.

* Lập nghiệp trên mảnh đất quê hương

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất chiến khu giàu truyền thống cách mạng, anh Hà Thắng, Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ Bình Minh (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) là một trong những thanh niên tiên phong theo đuổi lý tưởng làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Sau khi đưa ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo được tiếng vang trên thị trường, anh Hà Thắng đã xây dựng được một cộng đồng nông dân làm nông nghiệp sạch, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Là Giám đốc HTX nông nghiệp, dịch vụ chuyên cung cấp và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, anh Hà Thắng đã hỗ trợ các xã viên trong HTX của mình chăm sóc vườn cam, quýt, bưởi theo hướng hữu cơ. Đến nay, không chỉ bà con nông dân là xã viên trong HTX mà rất nhiều nông dân ngoài HTX cùng tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ. Sau thời gian kiên trì theo đuổi hướng làm nông nghiệp không hóa chất, các vườn trái cây trong vùng có tuổi thọ tăng lên, thân cây khỏe mạnh, cho trái đạt chất lượng cả về màu sắc lẫn hương vị, từ đó giá cả nông sản ngày càng ổn định.

Theo anh Thắng, thành quả lớn nhất mà anh cũng như các nông dân nhận được chính là môi trường không khí trong lành, người nông dân không còn tiếp xúc quá nhiều với các loại hóa chất ảnh hưởng tới sức khỏe, sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận. “Tôi mong ngày càng có nhiều nông dân áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, đưa trái cây của Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu” - anh Thắng chia sẻ.

Tương tự, anh Thái Văn Nam (xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) được biết đến là người giúp hàng trăm hộ dân làm giàu trên vùng đất cằn.

Khoảng 10 năm trở về trước, xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc là vùng trồng lúa, tràm và điều. Tuy nhiên do đất đai khô cằn, thiếu đầu tư cho sản xuất nông nghiệp nên lợi nhuận thu về chỉ khoảng 20-30 triệu đồng/ha/năm, cuộc sống của hàng ngàn hộ dân gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, anh Nam tiên phong thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ trên đất lúa và thành công. Từ thành công của mình, anh Nam hướng dẫn cho hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn xã cải tạo đất cằn, khoan giếng và xuống giống hơn 700ha thanh long. Cây thanh long trở thành cây trồng chủ lực của xã, giúp nhiều hộ gia đình “có của ăn của để”.

Anh Nam cho biết, trước đây gia đình anh trồng lúa, tràm và một phần diện tích trồng điều. Trung bình mỗi năm anh thu lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/ha. Năm 2010, anh trồng thử nghiệm 1 ngàn gốc thanh long, 18 tháng sau năng suất vụ đầu được gần 2 tấn trái, thu nhập hơn lúa. 3 năm sau, anh tăng lên 4ha và thời điểm hiện tại, anh Nam trồng được hơn 10ha, trở thành hộ có diện tích thanh long lớn nhất xã. Nhờ đi trước và không ngừng áp dụng công nghệ vào sản xuất, năng suất vườn thanh long của anh Nam vượt trội hơn so với các hộ khác, đạt 40 tấn/ha/năm.

Theo tính toán của anh Nam, chi phí đầu tư cho 1ha thanh long trồng mới khoảng 500 triệu đồng, 18 tháng cho thu hoạch. Mỗi năm thanh long cho thu
10-12 vụ, năng suất đạt mức 30 tấn/ha, với giá bán đạt trung bình 25 ngàn đồng/kg, người trồng cần khoảng 2,5 năm thu đủ vốn. “Nếu giá cả, đầu ra thuận lợi thì việc kiếm 1 tỷ đồng/ha/năm là hoàn toàn có thể và làm giàu trên vùng đất cằn không còn là giấc mơ xa vời của người nông dân” - anh Nam chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hưng Phạm Thị Mai Phương cho rằng, Xuân Hưng là xã khó khăn, đất đai rất cằn cỗi, đất pha cát, về mùa khô thiếu nước liên tục. Trong điều kiện đó, để gầy dựng được cơ ngơi làm ăn là điều rất khó khăn, anh Nam là người tiên phong. Cây thanh long đã mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp xã, giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

* Đưa sản phẩm thế mạnh xuất khẩu

Những năm gần đây, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Đồng Nai như: xoài, ca cao, chôm chôm, chuối... dần chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu. Có được thành quả này là nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành và đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo của những nông dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn. Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) là một trong những điển hình.

“Là lớp người sinh ra và lớn lên sau giải phóng, tôi luôn tự nhủ bản thân mình phải nỗ lực thật nhiều, đóng góp cho sự phát triển của quê hương xứng danh thành phố trẻ trên vùng đất thép” - chị Nguyễn Thị Ngọc, Phó giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hải Kim Long chia sẻ.

Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) chia sẻ, tiếp nối giấc mơ thành lập Tập đoàn Ca cao miền Đông Nam bộ của cha, hơn 10 năm qua, doanh nghiệp không ngừng nỗ lực đưa sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai ra thế giới, giúp nông dân làm giàu từ cây ca cao.

Ông Khanh cho biết, cha của ông là một bác sĩ quân đội từng có thời gian công tác ở vùng đất Tân Phú, Định Quán của Đồng Nai. Khoảng những năm 2000, thấy cây ca cao phát triển mạnh ở vùng đất Bến Tre quê nhà, cha ông đã quyết định về chiến trường xưa và khởi đầu với 5 ngàn cây ca cao trên vùng đất đá. Từ việc trồng cây ca cao, cha ông đã nghiên cứu và đầu tư nhà máy chế biến bột ca cao, làm chocolate và tự mình liên hệ với các đối tác nước ngoài xuất khẩu sản phẩm. Diện tích cây ca cao không ngừng mở rộng ở nhiều địa phương của Đồng Nai, rồi các tỉnh lân cận như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng thông qua việc hợp tác với chính quyền địa phương thực hiện dự án cánh đồng lớn mà công ty bao tiêu cả đầu vào lẫn đầu ra cho người nông dân. Công ty mở Trung tâm Phát triển ca cao Đồng Nai (CDC) tại H.Định Quán để hỗ trợ kỹ thuật cho người dân và nghiên cứu phát triển giống cây cho năng suất cao.

Trải qua giai đoạn thăng trầm của cây ca cao trên vùng đất miền Đông, hiện tại, công ty đang liên kết với người nông dân ở 4 tỉnh, thành và phát triển được hơn 1 ngàn ha cây ca cao, trong đó, tại Đồng Nai hơn 500ha. Tham gia dự án Hợp tác trồng ca cao với công ty, người nông dân được cung cấp cây giống, thuốc, phân bón, được hỗ trợ về kỹ thuật trồng và chăm sóc, được bao tiêu đầu ra với mức giá cao hơn giá thị trường từ 1-1,5 ngàn đồng/kg trái tươi. Ngoài sản phẩm chủ lực là bột ca cao và chocolate xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, công ty còn là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên phát triển dòng sản phẩm rượu ca cao, bơ ca cao. Tính đến nay, công ty đã phát triển được hơn 10 dòng sản phẩm đạt chứng nhận UTZ (chứng nhận toàn cầu về sản xuất và kinh doanh nông sản có trách nhiệm của Hà Lan), 4 sản phẩm được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức cho biết thêm, dự kiến cuối năm nay, các sản phẩm của ca cao Trọng Đức sẽ đến gần hơn với thị trường hơn 90 triệu dân trong nước thông qua các kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm du lịch, quán cà phê, chợ truyền thống.

Còn chị Nguyễn Thị Ngọc, Phó giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hải Kim Long (xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) thì cho rằng, xây dựng thương hiệu riêng cho mình cũng là tạo thương hiệu cho quê hương.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, Phó giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hải Kim Long (TP.Long Khánh) luôn coi trọng chất lượng sản phẩm và chữ tín với bạn hàng
Chị Nguyễn Thị Ngọc, Phó giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hải Kim Long (TP.Long Khánh) luôn coi trọng chất lượng sản phẩm và chữ tín với bạn hàng

Những năm gần đây, sản phẩm hạt điều của Công ty TNHH Nông sản Hải Kim Long của gia đình chị Ngọc được nhiều người dùng trong và ngoài nước biết đến nhờ chất lượng ngon, giá cả “mềm”. Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 150 tấn hạt điều sang các nước: Nhật Bản, Singapore, Dubai, Thái Lan…

Theo chia sẻ của chị Ngọc, trên thị trường hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp cùng chế biến xuất khẩu hạt điều, nhưng đối tác trong và ngoài nước vẫn tin chọn sản phẩm của Hải Kim Long, một doanh nghiệp nhỏ ở địa phương. Có được điều này là nhờ doanh nghiệp đã xây dựng cho mình chiến lược kinh doanh phù hợp, xây dựng thương hiệu sản phẩm từ những người trồng điều. Yếu tố chất lượng và chữ tín với bạn hàng được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu.

Theo chia sẻ của chị Ngọc, sắp tới doanh nghiệp sẽ liên kết với những người nông dân để ổn định vùng nguyên liệu; hướng dẫn người nông dân trồng và chăm sóc điều theo quy trình GAP của thế giới. Cùng với đó là tích cực tham gia các hoạt động nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các bạn hàng trong nước và quốc tế để sản phẩm rộng đường xuất khẩu.

Ngọc Liên - Hoàng Lộc

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích