Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiện lợi cần đi kèm với chất lượng

09:03, 27/03/2020

Các hình thức mua hàng, giao dịch trực tuyến mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hay laptop, máy tính bảng… có kết nối internet thì người dùng đều có thể dễ dàng mua sắm, giao dịch, thanh toán…

Các hình thức mua hàng, giao dịch trực tuyến mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hay laptop, máy tính bảng… có kết nối internet thì người dùng đều có thể dễ dàng mua sắm, giao dịch, thanh toán…

Chỉ cần một vài thao tác đơn giản, người tiêu dùng có thể dễ dàng đặt mua các sản phẩm thông qua các trang thương mại điện tử
Chỉ cần một vài thao tác đơn giản, người tiêu dùng có thể dễ dàng đặt mua các sản phẩm thông qua các trang thương mại điện tử

Tuy nhiên, mỗi người cần trở thành “khách hàng thông thái” để lựa chọn các dịch vụ phù hợp, uy tín, tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.

* Nâng cao cảnh giác khi giao dịch

Có thể nói, các kênh bán hàng trực tuyến đang mở ra “lối thoát” cho nhiều cửa hàng, quán xá… trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, người dân hạn chế đến những nơi đông người. Trên thực tế, các kênh bán hàng này đã tạo ra nhiều thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm hàng hóa, nhu yếu phẩm trong thời gian xảy ra dịch bệnh.

Thế nhưng, cũng chính từ đó lại nảy sinh một số tiêu cực vì không ít đơn vị, cá nhân có thể lợi dụng thời điểm này để tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Chị Ngọc Nhạn (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi thường mua hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử, ở đó hàng hóa đa dạng, giá cả lại phải chăng. Tuy nhiên, mua hàng trên các ứng dụng này còn “hên xui” do chính sách không cho kiểm tra hàng ngay khi nhận, đôi khi bị đóng gói nhầm hoặc mua phải hàng kém chất lượng từ những kênh bán hàng không uy tín cũng đành chịu vì thủ tục hoàn trả rắc rối, tốn thời gian”.

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai khuyến cáo, để đảm bảo an toàn khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng cần tìm hiểu về cửa hàng, đơn vị, trang kinh doanh trực tuyến mà mình chuẩn bị đăng ký sử dụng dịch vụ mua sắm, tiêu dùng, sử dụng các tiện ích online, tránh trường hợp tiêu dùng, mua sắm tại các địa chỉ không rõ ràng.

Tương tự, đối với các hình thức giao dịch trực tuyến, các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, người dân cũng cần kiểm tra kỹ các thông tin liên quan trước khi tiến hành giao dịch. Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, đối với các dịch vụ tiện ích, ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, người dân cần lưu ý đảm bảo các thông tin bảo mật, tài khoản định danh…, cũng như kiểm tra kỹ các thông tin cá nhân, mật khẩu, mã OTP… trước khi tiến hành các giao dịch online.

* Tăng cường các biện pháp quản lý

Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý thị trường trực tuyến, phòng ngừa hữu hiệu những hình thức vi phạm trong các giao dịch trực tuyến, ứng dụng trực tuyến để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.

Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra định kỳ, thường xuyên đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng xã hội... cũng như mong muốn người dân, doanh nghiệp cùng tham gia phát hiện hàng giả, tố giác những hành vi vi phạm trong thương mại điện tử...

Ông Phạm Quốc Bảo cho hay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai khuyến khích các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh các hình thức giao dịch trực tuyến trong giai đoạn dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.

Đơn vị sẽ thường xuyên trao đổi, đề nghị các ngân hàng thương mại tăng cường các phương thức ngăn chặn những vi phạm trong các giao dịch trực tuyến nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật đối với khách hàng sử dụng các dịch vụ của ngân hàng nói chung và các dịch vụ trực tuyến nói riêng…

Hoàng Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích