Báo Đồng Nai điện tử
En

Mr.Huy và câu chuyện viết từ cà phê

04:03, 27/03/2020

"Let coffee make your story" (Hãy để cà phê làm nên câu chuyện của bạn) là slogan của Mr.Huy Coffee - chuỗi cửa hàng cà phê rang mộc tại TP.Biên Hòa do anh Trần Thanh Huy làm chủ.

Anh Trần Thanh Huy - chủ chuỗi cửa hàng cà phê rang mộc tại TP.Biên Hòa
Anh Trần Thanh Huy - chủ chuỗi cửa hàng cà phê rang mộc tại TP.Biên Hòa

“Let coffee make your story” (Hãy để cà phê làm nên câu chuyện của bạn) là slogan của Mr.Huy Coffee - chuỗi cửa hàng cà phê rang mộc tại TP.Biên Hòa do anh Trần Thanh Huy làm chủ. Coffee cũng đã giúp chàng trai 9X này viết nên câu chuyện khởi nghiệp của riêng mình với khát vọng lan tỏa giá trị của cà phê Việt bằng sự tử tế, chỉn chu và trọn vị.

Tình yêu với cà phê

 * Chào Huy, anh có thể chia sẻ về con đường đến với cà phê của mình?

- Ban đầu tôi cũng chỉ là người thích thưởng thức cà phê một cách đơn thuần.  Mỗi khi tự tay rang, pha chế cho mình một ly cà phê hoặc ai đó chuẩn bị cho tôi một ly cà phê ngon đều khiến tôi rất trân trọng và hạnh phúc. Nhưng lúc đó tôi chưa hiểu về cà phê và cũng không nghĩ mình sẽ đi bán cà phê.

Gia đình tôi có truyền thống theo nghề giáo, lớn lên tôi cũng chọn làm giáo viên tại một trung tâm anh ngữ ở TP.Biên Hòa. Trong khi đang theo học đại học chuyên ngành ngôn ngữ Anh thì tôi gặp vấn đề sức khỏe và quyết định nghỉ dạy. Trong lúc rảnh rỗi, một người bạn rủ tôi mở ki-ốt bán cà phê và nước giải khát, tôi đồng ý ngay vì tuổi trẻ mà, ngại gì mà không thử. May mắn là 4 ki-ốt nhỏ của chúng tôi khá đắt khách, chủ yếu là người trẻ.

Sau một thời gian theo dõi doanh số bán hàng, tôi nhận ra trong các loại nước uống chỉ có cà phê giữ được doanh thu ổn định. Từ đó tôi bắt đầu tìm hiểu về cà phê và quyết định chọn cà phê cho một hành trình mới.

* Vậy hành trình đó của anh bắt đầu như thế nào và đâu là loại cà phê mà anh chọn để khởi nghiệp?

- Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, tôi quyết định sang lại các ki-ốt nhỏ để mở cửa hàng cà phê đầu tiên với thương hiệu Mr.Huy Coffee chuyên phân phối và phục vụ Specialty Coffee và Robusta chất lượng cao.

Anh Trần Thanh Huy, sinh năm 1993 tại Tiền Giang, hiện là chủ của 5 cửa hàng Mr.Huy Coffee tại Biên Hòa với doanh thu 450-500 triệu đồng/tháng.

Cũng trong thời gian này, tôi nhận thấy rằng, để có được ly cà phê ngon, nguyên chất là không hề dễ dàng và mục tiêu của tôi chính là chia sẻ điều đó với mọi người. Tôi bắt đầu suy nghĩ đến nguồn gốc, xuất xứ cà phê và chỉ có về tận nơi sinh ra nó tôi mới có được câu trả lời. Mỗi ngày tôi khăn gói đi xe từ Biên Hòa lên Lâm Đồng từ sáng sớm và tối lại bắt xe về.

Để hiểu được chu kỳ, cách trồng, sơ chế và về quy trình sản xuất cũng như cách đánh giá cà phê… tôi đã có mấy tháng liền cùng ăn ngủ với những người nông dân trồng cà phê tại các trang trại ở Lâm Đồng. Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất khi tôi thậm chí chỉ ngủ 2 tiếng/ngày. Thế nhưng, nó cho tôi nền tảng kiến thức và những trải nghiệm thực tế bằng những giọt mồ hôi.

Ông chủ 9X hướng dẫn nhân viên pha chế cà phê
Ông chủ 9X hướng dẫn nhân viên pha chế cà phê

Sau một thời gian nghiên cứu, tôi nghĩ mình cần một hướng đi mới, thay vì cạnh tranh trực tiếp với những cửa hàng cà phê, trà vốn đang thịnh hành hiện nay. Tôi chọn cà phê rang mộc, tức cà phê chỉ có cà phê, khác với cà phê trộn không biết thành phần trong đó có gì hay cà phê tẩm thì chuyên về xử lý hương liệu.

* Với những người trẻ, khởi nghiệp vốn được coi là khó khăn lớn nhất, điều này có đúng với anh?

- Thực ra ngoài nguồn vốn nhỏ từ việc sang lại các ki-ốt thì tôi không có gì ngoài ý tưởng và nhiệt huyết. Và quả thực nó không đủ cho một dự án quy mô mà tôi ấp ủ. Tôi quyết định lên kế hoạch chi tiết về ý tưởng khởi nghiệp của mình để huy động vốn, như một cái duyên, tôi được một số người quen đồng điệu về ý tưởng và quyết định hỗ trợ vốn khoảng 400 triệu đồng.

Khó khăn lớn nhất với tôi chính là thuyết phục khách hàng đến với cà phê rang mộc, bởi đa phần họ đã quen với thứ cà phê đậm. Điều này khiến cho tháng đầu cửa hàng của tôi vắng hoe, phần lớn thường chê cà phê loãng…

Đừng để tuổi trẻ nhàn hạ

* Vậy anh đã làm gì để khách hàng quen dần với cà phê rang mộc?

- Định hình lại thì tôi thấy việc khách hàng chưa quen với việc thưởng thức cà phê rang mộc cũng là điều dĩ nhiên và không còn cách nào khách là thuyết phục khách hàng.

Bạn có thể thấy các cửa hàng của Mr.Huy đều được thiết kế như quầy bar để khách có thể ngồi trực tiếp quan sát quá trình rang xay, pha chế và trình bày cà phê. Thời gian đầu, tôi trực tiếp đứng quầy vừa pha chế vừa trò chuyện, giới thiệu về giống, quy trình sản xuất, chế biến cà phê để khách yên tâm và trân trọng giá trị của cà phê rang mộc.

Ngoài kiên trì tư vấn tại cửa hàng, tôi đã lập nhóm trên Facebook thu hút những người yêu thích cà phê cùng chia sẻ về kiến thức cũng như trải nghiệm của mình. Lượng khách đến quán dần đông hơn và tháng thứ 2 thì cửa hàng cắt lỗ.

* Anh nhắc nhiều đến xuất xứ cà phê, vậy theo anh quy trình sản xuất cà phê, nhất là cà phê chất lượng cao, đã thay đổi như thế nào?

- Nếu bạn là một người yêu cafe, chắc hẳn bạn sẽ trân trọng những hạt cà phê chất lượng, được lựa chọn cẩn thận, trải qua quá trình rang xay, bảo quản nghiêm ngặt. Đằng sau một cốc cà phê là quá nhiều sự vất vả của người nông dân.

Hạt cà phê nhân mà tôi dùng trong mỗi mẻ rang được lấy từ những nông trại cà phê kiểu mới, nơi người nông dân không ngừng học hỏi, cải tiến để nâng cao chất lượng của hạt cà phê chứ không phải là số lượng hạt cà phê bán ra. Cây cà phê phải được trồng theo phương pháp hữu cơ. Thay vì tuốt hạt cà phê rơi vãi lên tấm bạt rồi gom lại như truyền thống, người nông dân lựa chọn hái từng trái cà phê chín đủ độ. Đây cũng là xu hướng sản xuất mà mỗi người nông dân cần hướng tới để nâng giá trị của cà phê Việt.

* Được biết những nhân viên của anh không chỉ được đào tạo về văn hóa phục vụ mà còn cả về kiến thức cà phê và khởi nghiệp?

- Nhân viên của tôi khá trẻ và nhiệt huyết, sáng tạo, tôi luôn trân trọng điều đó. Tôi tâm niệm tuổi trẻ không để mình nhàn hạ và tôi muốn các bạn trẻ hiểu điều đó. Họ vẫn thường lấy tôi làm hình mẫu rằng, không học đại học vẫn có thể làm chủ tương lai của mình. Tôi cũng định hướng ngay rằng các em có thể không học đại học nhưng không thể dừng học, chỉ có học mỗi ngày mới cho các em nền tảng để thành công.

Tôi cũng mong muốn mang tình yêu cà phê đến với nhân viên của mình bởi khi họ thực sự hiểu, yêu quý mới có thể pha chế, phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Hằng quý, tôi tổ chức cho các nhóm nhân viên đi thực tế về trang trại để trải nghiệm quy trình sản xuất và nâng cao trình độ thẩm định cà phê. 

Đồng thời, để giúp họ có thêm niềm say mê với công việc, tôi đã tổ chức các cuộc thi pha chế với sự tham gia đánh giá, thẩm định từ các chuyên gia nhiều kinh nghiệm. Các bạn cũng có thể tham gia các workshop được tổ chức định kỳ tại cửa hàng với sự tham gia của các đối tác, trang trại cung cấp cà phê, chuyên gia pha chế và những người yêu cà phê để hiểu hơn về cà phê.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Thảo Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều