Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi người trẻ ''về vườn'' khởi nghiệp…

11:02, 14/02/2020

Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp tại Đồng Nai có nhiều chuyển biến tích cực, với nhiều dự án khởi nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ, du lịch sinh thái, các doanh nghiệp xã hội gắn với phát triển cộng đồng…

Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp tại Đồng Nai có nhiều chuyển biến tích cực, với nhiều dự án khởi nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ, du lịch sinh thái, các doanh nghiệp xã hội gắn với phát triển cộng đồng…

Các thành viên của Công ty TNHH dịch vụ - du lịch Meerkat Travel (huyện Định Quán) hướng dẫn du khách tham quan khu vực rừng Thác Mai - Gia Canh. Ảnh: C.T.V
Các thành viên của Công ty TNHH dịch vụ - du lịch Meerkat Travel (huyện Định Quán) hướng dẫn du khách tham quan khu vực rừng Thác Mai - Gia Canh. Ảnh: C.T.V

[links()]Hoạt động khởi nghiệp trong tỉnh diễn ra khá sôi nổi, nhất là sau khi có thêm nhiều chương trình, chính sách ra đời nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, các đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên, phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp…

* Xu hướng “xê dịch từ phố về quê”

Xu hướng những người trẻ tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, từng làm những công việc ổn định, lương cao chọn vùng quê để khởi nghiệp ngày càng nhiều. Từng có một công việc ổn định ở TP.Hồ Chí Minh, cô cử nhân Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh Đỗ Thị Minh Thơm lại quyết định về với vùng miệt vườn ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành) phát triển nông nghiệp theo hướng VietGAP.

Chị Thơm cho biết, trong những ngày đầu khởi nghiệp, chị bị nhiều người “nói ra nói vào” bởi quyết định rẽ ngang, thế nhưng chị vẫn quyết tâm tìm hiểu và thực hiện ý tưởng của mình. Bắt đầu từ việc trồng quýt, sau đó chị quyết định chuyển sang mô hình xen sầu riêng, măng cụt và chôm chôm theo hướng VietGAP mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đến nay, chị Thơm đã thành lập Hợp tác xã (HTX) nông sản sạch Bàu Tre để cùng các nhà vườn trong khu vực cùng tham gia phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, vừa phát triển mạng lưới du lịch miệt vườn.

Hay như anh Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Công ty cổ phần An Tâm Gia (huyện Trảng Bom) cho hay, từ năm 2015, anh đã quyết định từ bỏ công việc ổn định là quản trị kinh doanh, xuất nhập khẩu để về quê nhà ở xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng khép kín.

Anh Quang chia sẻ: “Gia đình tôi vốn có truyền thống về chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp nên từ lâu tôi đã có dự định sau một thời gian lập nghiệp ở thành phố sẽ trở về quê hương để làm nông nghiệp sạch. Mô hình này hướng đến việc đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng. Điều này chính là động lực thôi thúc tôi quyết tâm mở trang trại”.

Tương tự, từ bỏ công việc giảng dạy tại một trung tâm tin học ở TP.Hồ Chí Minh với mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng, chàng cử nhân công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Chương về quê ở phường Bàu Sen, TP.Long Khánh khởi nghiệp từ việc trồng gấc lấy tinh dầu, sau đó thành lập Công ty TNHH gấc Trọng Tín chuyên cung cấp các sản phẩm được chế biến từ gấc. Anh Chương từng đoạt giải thưởng Lương Định Của của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn vào năm 2018.

Anh Chương chia sẻ: “Thời gian đầu khởi nghiệp với loại cây trồng còn khá mới mẻ ở mảnh đất quê hương, tôi gặp nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật trồng và phát triển nguồn nguyên liệu.

Với lợi thế nền tảng về công nghệ thông tin, khả năng đọc tài liệu bằng tiếng Anh, tôi thường xuyên đọc các đề án, luận văn về gấc trên internet để tìm hiểu về quy trình trồng, sản xuất sản phẩm từ gấc, cũng như kết nối các đơn hàng... Đến nay, bên cạnh việc phát triển công ty của mình, tôi còn mở rộng và thành lập thêm HTX thương mại - dịch vụ Trọng Tín để phát triển nguồn nguyên liệu, thị trường”.

* Gắn du lịch sinh thái với cộng đồng

Những năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp theo mô hình doanh nghiệp xã hội, phát triển du lịch gắn liền với các hoạt động phát triển cộng đồng ngày càng nở rộ ở Việt Nam. Nắm bắt xu thế này, nhiều người trẻ ở Đồng Nai triển khai các dự án du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng.

Năm 2012, anh Nguyễn Đình Hiếu cùng vài người bạn thành lập Công ty TNHH du lịch Bói Cá Việt. Mô hình phát triển du lịch mà công ty hướng đến là vừa kết hợp khai thác những thế mạnh du lịch homestay của địa phương gắn với các hoạt động xã hội bảo vệ môi trường, tổ chức dịch vụ tour cộng đồng đem đến những cơ hội phát triển đời sống tốt hơn cho người dân địa phương.

Mô hình vườn sầu riêng sạch kết hợp với du lịch miệt vườn của chị Đỗ Thị Minh Thơm (xã Bình Sơn, huyện Long Thành).  Ảnh: Hải Quân
Mô hình vườn sầu riêng sạch kết hợp với du lịch miệt vườn của chị Đỗ Thị Minh Thơm (xã Bình Sơn, huyện Long Thành). Ảnh: Hải Quân

Đến nay, dự án Bà Đất Homestay của công ty đã trở thành một cái tên khá quen thuộc đối với nhiều du khách trong và ngoài tỉnh khi muốn đến tham quan, khám phá vẻ đẹp ở hồ Trị An…

“Lúc đó, mô hình này còn quá mới, không có nhiều vốn để triển khai. Nhiều lần tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ nhưng rồi vẫn kiên trì, quyết tâm theo đuổi đam mê trên vùng đất mà tôi gắn bó từ thuở bé. Tôi lại mày mò học về lập kế hoạch kinh doanh, lập chiến lược cho doanh nghiệp, cách quản lý, xây dựng lại đội ngũ con người... Tôi quan niệm chính khách hàng là người chỉ cho mình điều cần cải thiện, thay đổi những gì để có quy trình, sản phẩm du lịch tốt hơn” - anh Hiếu kể.

Từ một nhóm tình nguyện viên đam mê du lịch, tìm hiểu thiên nhiên và thường tổ chức, hướng dẫn các em nhỏ tham gia các hoạt động cắm trại dã ngoại, anh Nguyễn Nho Kiên cùng bạn bè thành lập Công ty TNHH dịch vụ - du lịch Meerkat Travel (huyện Định Quán).

Theo anh Kiên, công ty đã hoạt động được gần 3 năm nay với phương châm “Một hành trình vô vàn trải nghiệm”, Meerkat Travel khai thác những hoạt động về đi bộ xuyên rừng, leo núi theo các cấp độ, các tour cắm trại dã ngoại, các hoạt động nhóm, đạp xe đạp xuyên rừng, tổ chức các sự kiện... tại huyện Định Quán và một số khu vực lân cận. Meerkat Travel còn liên kết với nhiều công ty dịch vụ du lịch - lữ hành lớn để tổ chức các tour dã ngoại.

* Hiện thực hóa những mô hình xanh

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, tại nhiều đô thị lớn như TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và một số khu vực đông dân cư trên địa bàn tỉnh, xu hướng khởi nghiệp từ những mô hình nông nghiệp sạch, ít chiếm diện tích ngày càng được lựa chọn với nhiều mô hình đặc biệt như: trồng nấm công nghệ cao, trồng rau thủy canh… Không ít các bạn trẻ cũng lựa chọn hướng đi này để khởi nghiệp.

Anh Nguyễn Trương Kiến Khương, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Vinh Phúc (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) kể: “Tôi vốn là một sinh viên chuyên ngành công nghệ sinh học, thích tìm hiểu về nấm. Tôi đã chọn đề tài về các loại nấm dược liệu để làm luận văn tốt nghiệp và từng có nhiều năm ở Đà Lạt để tìm hiểu, nghiên cứu sâu về mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu”.

Đến đầu năm 2012, anh Khương trở về Đồng Nai và vào làm việc ở một cơ quan về lĩnh vực nông nghiệp. Anh Khương vẫn không ngừng ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp từ nấm. Do đó, sau gần 5 năm công tác, anh Khương quyết định xin nghỉ việc để cùng với nhóm bạn thân nhân rộng chính đề tài trong luận văn của mình trên mảnh đất quê hương. Đến nay, mô hình của HTX phát triển khá ổn định, cung cấp nấm sạch cho nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, cũng như hướng tới phát triển mô hình theo xu hướng farm stay (tạm dịch: du lịch nông nghiệp).

Anh Tống Văn Tài (phường Xuân Tân, TP.Long Khánh) từng tốt nghiệp chuyên ngành về quản trị kinh doanh, sau đó có thời gian du học tại Pháp về lĩnh vực công tác xã hội. Sau khi về nước, anh quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình trồng rau sạch thủy canh.

“Trong quá trình du học và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, tôi đã ấp ủ dự định về quê để khởi nghiệp với mô hình nào đó theo hướng công nghệ cao. Trong một lần tình cờ đến thăm nhà một người bạn, tôi biết đến việc trồng rau thủy canh trên sân thượng. Sau đó, tôi bắt đầu tìm hiểu, dành thời gian tham quan các mô hình trồng rau thủy canh nói riêng và mô hình nông nghiệp công nghệ cao nói chung ở TP.Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Nhận thấy việc trồng rau thủy canh có nhiều tiềm năng, lại khá mới mẻ trong khi ở Long Khánh chủ yếu phát triển các vườn cây ăn trái, tôi quyết định bỏ việc về quê xây dựng vườn rau sạch thủy canh để hiện thực hóa ý tưởng của mình” - anh Tài chia sẻ.

Hải Quân

 

 

 

Ảnh trên:

Tin xem nhiều