Cần mạnh tay đối với các doanh nghiệp chây ì, trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) (bao gồm: BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của người lao động (NLĐ); tiết kiệm số tiền ít ỏi mỗi ngày để có lương hưu khi hết tuổi lao động…, ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những nội dung này.
Ông Điểu Bá Được |
Cần mạnh tay đối với các doanh nghiệp chây ì, trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) (bao gồm: BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của người lao động (NLĐ); tiết kiệm số tiền ít ỏi mỗi ngày để có lương hưu khi hết tuổi lao động…, ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những nội dung này.
* Nhiều năm nay, thực trạng doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ vẫn tiếp tục diễn ra trên cả nước. Riêng Đồng Nai, số tiền nợ dù tương ứng với tỷ lệ dưới mức cho phép so với tổng số tiền phải thu nhưng cũng lên đến hơn 500 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. Ông có ý kiến gì về thực trạng này?
- Tôi khẳng định rằng, việc trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. Theo quy định của Nhà nước, NLĐ tại các doanh nghiệp bắt buộc phải tham gia các hình thức bảo hiểm trên. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, thậm chí ngay cả chính NLĐ cũng có những trường hợp từ chối tham gia các loại bảo hiểm trên và đó là hành vi vi phạm pháp luật. Hậu quả, NLĐ “không được phép ốm (bệnh)”, không có chế độ thai sản và không được hưởng lương hưu khi đã lớn tuổi.
Số tiền nợ quỹ bảo hiểm hơn 500 tỷ đồng của Đồng Nai dù tương ứng với tỷ lệ dưới mức cho phép so với tổng số tiền phải thu nhưng cũng là khá lớn, và thực tế chưa có đơn vị nào bị khởi tố hình sự do còn vướng các thủ tục pháp lý, chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền của Đồng Nai cần mạnh tay đối với các doanh nghiệp chây ì, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Cụ thể, tiếp tục chuyển hồ sơ của một số doanh nghiệp có mức nợ bảo hiểm lớn, nợ lâu… ra khởi kiện, xét xử hình sự.
Về lâu dài, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN không được khắc phục sẽ dẫn đến bất bình đẳng trong kinh doanh. Trong đó, doanh nghiệp chấp hành tốt sẽ gặp khó khăn hơn.
* Hiện nay, pháp luật đã có những quy định nghiêm minh, thậm chí là xử lý hình sự đối với các hành vi nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN; tuy nhiên thực trạng nợ đọng BHXH vẫn chưa có chiều hướng giảm, vì sao vậy, thưa ông?
- Tôi cho rằng, các quy định đã khá nghiêm với những hình thức xử lý chặt chẽ. Nhưng điều quan trọng vẫn là tăng cường mức độ chấp hành của doanh nghiệp qua công tác thanh, kiểm tra và xử phạt.
Trước đây, các hành vi làm giả hồ sơ để hưởng BHXH, BHYT (không sinh con nhưng vẫn làm hồ sơ hưởng chế độ thai sản); trốn đóng BHXH; ký khống giấy chứng nhận nghỉ hưởng chế độ BHXH, BHYT… chỉ coi là vi phạm dân sự và xử phạt hành chính. Nhưng theo Bộ luật Hình sự đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, các hành vi trên sẽ bị xử lý hình sự.
Đầu năm 2020, mức lương cơ sở của NLĐ tiếp tục được điều chỉnh tăng. Điều này mang lại lợi ích tích cực cho NLĐ khi doanh nghiệp đóng BHXH cao hơn dựa trên tiền lương. Có nghĩa, chế độ lương hưu của NLĐ cũng tốt hơn.
* Thực tế có những doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đã “lách luật” trốn đóng BHXH cho NLĐ bằng cách không ký hợp đồng lao động với NLĐ. Chúng ta phải làm gì để buộc các chủ sử dụng lao động đóng BHXH đầy đủ cho NLĐ…?
- Nhiều năm nay, chúng ta quy định phải có hợp đồng lao động mới thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH. Điều này đã vô tình tạo “lỗ hổng” để chủ sử dụng lao động dừng ký hợp đồng lao động, chuyển sang thỏa thuận bằng hình thức khác để ngừng đóng BHXH.
Do đó, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) có vai trò đặc biệt quan trọng, tác động đến việc mở rộng vững chắc diện bao phủ về BHXH. Cụ thể, dù chủ sở hữu lao động không ký hợp đồng với NLĐ nhưng có quan hệ lao động, hoặc NLĐ có việc làm và thu nhập ổn định, đang chấp hành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định thì cần được bổ sung vào diện tham gia BHXH bắt buộc. Khi đó, theo tính toán của BHXH Việt Nam, số lao động này sẽ làm gia tăng diện bao phủ BHXH thêm hàng triệu người.
Cán bộ hướng dẫn người dân làm thủ tục về các chế độ khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ảnh: B.Nhàn |
Bộ luật Lao động sửa đổi đã đề cập cụ thể đến tình trạng doanh nghiệp cố tình “lách luật” để trốn đóng bảo hiểm cho NLĐ. Điều quan trọng là phát hiện các doanh nghiệp này để xử lý, mức độ nghiêm trọng nhất là xử lý hình sự.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cả người dân, NLĐ và chủ doanh nghiệp nhận thức rõ lợi ích của việc tham gia BHXH. Quan trọng nhất là việc thiết kế thông tin tuyên truyền như thế nào cho phù hợp với từng đối tượng và đối tượng nào đi tuyên truyền mới hiệu quả. Theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta nên “tận dụng” lực lượng có uy tín lớn trong các khu dân cư như: già làng, trưởng bản, cha xứ… để tuyên truyền về các loại bảo hiểm trên sẽ có hiệu quả hơn. Nếu việc tuyên truyền tham gia BHXH, BHYT, BHTN chỉ dựa vào cơ quan BHXH các địa phương thì hiệu quả sẽ không phát huy tối đa.
Hơn nữa, bên cạnh thông tin về trách nhiệm, nghĩa vụ của NLĐ, người dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN, chúng ta cần nhấn mạnh về quyền lợi của họ. Trong đó, mức hưởng và mức đóng tỷ lệ thuận với nhau. Hiện nay, BHXH Việt Nam đã giảm thời gian đóng và tăng quyền lợi cho người dân.
* Thưa ông, thông tin “Tiết kiệm 5 ngàn đồng mỗi ngày, về già bạn sẽ có lương hưu” có chính xác không? Nếu người dân tham gia BHXH tự nguyện, mức thực đóng BHXH mỗi tháng sẽ là bao nhiêu, đóng bao nhiêu năm? Và mức lương hưu nhận được theo mức đóng trên là bao nhiêu tiền/tháng khi về già?
- Tôi khẳng định thông tin trên là hoàn toàn chính xác. Tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy. Mức đóng BHXH tự nguyện hiện nay đang thực hiện đóng theo mức thu nhập của NLĐ lựa chọn, 22% mức thu nhập của NLĐ lựa chọn, tối thiểu bằng 700 ngàn đồng (bằng mức chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn hiện nay đang quy định và mức cao nhất là không quá 20 lần tiền lương cơ sở). Khi chúng ta đóng mỗi tháng theo quy định là bằng 22% nhân với 700 ngàn đồng, tức là bằng 154 ngàn đồng (chưa tính sự hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng nghèo, cận nghèo…).
Không tính vấn đề trượt giá và giả định số tiền đóng và sau 20 năm đóng, chúng ta được hưởng mức trên nền đóng là 700 ngàn đồng, nếu là lao động nữ và có 20 năm đóng BHXH, họ được hưởng tỷ lệ là 55% nhân với 700 ngàn đồng, thì sẽ được nhận 385 ngàn đồng/tháng. Lao động nam, thời gian đóng 20 năm thì được hưởng 45% nhân 700 ngàn thì được 315 ngàn đồng.
Ngoài lương hưu, NLĐ khi tham gia BHXH tự nguyện còn được hưởng một chính sách thiết thực hiện nay là chính sách BHYT. Người dân được quỹ BHXH đóng phần phí BHYT để NLĐ khi về hưu được cấp thẻ BHYT miễn phí, được quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện chế độ theo Luật Khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT. Ngoài ra, khi người hưởng lương hưu đóng BHXH tự nguyện qua đời, còn được hưởng chế độ mai táng và tử tuất.
* Xin cảm ơn ông!
Bích Nhàn (thực hiện)