Báo Đồng Nai điện tử
En

Đọc 'Áo Trắng': Nhớ phong trào học sinh sinh viên yêu nước

12:01, 10/01/2020

Tiểu thuyết lịch sử Áo Trắng của tác giả Nguyễn Văn Bổng vừa được Nhà xuất bản (NXB) Trẻ phát hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống sinh viên học sinh (9-1-1950 - 9-1-2020), 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020), 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020).

“Áo trắng em chưa vướng bụi đời

Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi

Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót

Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi…”

Tiểu thuyết lịch sử Áo Trắng của tác giả Nguyễn Văn Bổng vừa được Nhà xuất bản (NXB) Trẻ phát hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống sinh viên học sinh (9-1-1950 - 9-1-2020), 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020), 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020). Đây cũng là một trong những ấn phẩm đầu tiên ra mắt trong chương trình đẩy mạnh thói quen đọc sách trong xã hội mang tên “Tháng Ba sách Trẻ 2020” do NXB Trẻ tổ chức thường niên.

* Tiểu thuyết dựa trên nguyên mẫu đời thực

Theo thông tin từ NXB Trẻ, nhà văn Nguyễn Văn Bổng viết câu chuyện và xây dựng nhân vật dựa trên nguyên mẫu đời thực về cuộc đời hoạt động của đôi bạn cán bộ Thành đoàn trong phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh trước năm 1975: anh Lê Hồng Tư và chị Nguyễn Thị Châu, tiêu biểu cho lớp học sinh trung học phổ thông thời kỳ ấy.

Hai anh chị lúc bấy giờ đều từ vùng miền khác lên Sài Gòn ăn học: nữ sinh Nguyễn Thị Châu từ Biên Hòa và anh Lê Hồng Tư từ Tiền Giang. Cùng những người bạn của mình là những tấm gương học sinh yêu nước có nhiệt huyết sôi nổi của tuổi trẻ, họ trở thành một lực lượng đấu tranh tiêu biểu đã cùng viết nên trang sử truyền thống hào hùng của học sinh, sinh viên trong thời lao loạn của một thành phố lớn miền Nam.

Chị Nguyễn Thị Châu và anh Lê Hồng Tư đều bị đối phương bắt và tù đày. Dù phải trải qua mọi nhục hình tra tấn, anh chị vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Bài thơ Áo trắng nổi tiếng khắc trên vách trại giam: “Áo trắng em chưa vướng bụi đời. Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi. Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót. Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi...” là do chị Châu viết.

* Một thế hệ thanh niên lý tưởng

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng (1921-2001) là một trong những nhà văn hàng đầu của dòng văn xuôi Việt Nam hiện đại. Lúc sinh thời, ông có một bút lực dồi dào với những tác phẩm văn học nổi tiếng như: Cửu Long cuộn sóng, Con Trâu, Rừng U Minh, Tiểu thuyết Cuộc Đời, Sài Gòn ta đó... Tham gia cách mạng từ năm 1945, nhà văn Nguyễn Văn Bổng là người cán bộ lãnh đạo văn nghệ xuất sắc của Đảng, cây bút chiến sĩ hàng đầu của Việt Nam.

Trong tiểu thuyết Áo Trắng, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đặt tên đôi bạn nhân vật chính tiêu biểu cho lớp học sinh trung học phổ thông thời bấy giờ là Hoàng (tức anh Lê Hồng Tư) và Phượng (tức chị Nguyễn Thị Châu). Hoàng mơ ước được tự do làm khoa học, Phượng mơ về một ngày mình trở thành cô giáo, y tá. Thế rồi sau khi được giác ngộ cách mạng, bên cạnh việc học còn ra sức hoạt động đấu tranh vì đất nước, dân tộc, Phượng trở thành một cán bộ hoạt động nội thành gan dạ, dũng cảm, lập nên nhiều chiến công còn Hoàng là người phụ trách của cô.

Ngoài những nhân vật tiêu biểu trong tiểu thuyết, người đọc còn thấy bóng dáng của những điển hình khác làm nên vẻ muôn màu của lớp thanh niên đô thị miền Nam trong thời kỳ này. Là cô tiểu thư, là cậu trai nghèo hay kể cả những bạn trẻ của tầng lớp tiểu thư sản lúc đó, điểm chung của họ là khi được lý tưởng soi sáng đều trở thành những con người can trường, mưu trí hết lòng vì sự nghiệp chung. Kể cả khi bị bắt giam, trải qua bao cuộc tra tấn, cực hình trong chốn lao tù, Phượng, Hoàng, Thanh... vẫn giữ được niềm tin và lý tưởng của mình, vượt qua những thử thách cam go trong tù ngục.

Trong tiểu thuyết Áo trắng còn có những tấm gương học sinh yêu nước khác: Hiền hy sinh trong cuộc tham gia biểu tình chống chế độ Ngô Đình Diệm, Thanh nhí nhảnh như tiểu thư lại dám ám sát tên bồi bút tay sai rồi bị lưu đày khắp chốn lao tù; là Lan, là Đức - những học sinh con nhà khá giả đã từ bỏ cuộc sống xa hoa nơi thành thị để vào căn cứ kháng chiến. Hoặc là những học sinh đấu tranh bằng con đường khác như Linh ria hay thành phần học sinh phản động như Vận.

Ông Lê Hồng Tư (giữa, năm nay đã 86 tuổi) giao lưu với công chúng trong chương trình ra mắt sách Áo Trắng ngày 9-1-2020 tại Đường sách TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: L.Đ.TRUNG
Ông Lê Hồng Tư (giữa, năm nay đã 86 tuổi) giao lưu với công chúng trong chương trình ra mắt sách Áo Trắng ngày 9-1-2020 tại Đường sách TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: L.Đ.TRUNG

Với nghệ thuật viết tiểu thuyết tài tình, giản dị mà sâu sắc, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã đưa bạn đọc như hòa vào trong bối cảnh học sinh của thời lao loạn của một trung tâm thành phố lớn của miền Nam. Để qua đó đồng cảm với những ước vọng, thương với những trăn trở của tuổi học trò trong biến cố xã hội. Quyển sách còn đề cập đến sự phát triển của cách mạng miền Nam như phong trào đồng khởi, sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và mối tình chớm nở giữa Phượng và Hoàng.

Chị Nguyễn Thị Châu là Phó bí thư Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định, người vinh dự ba lần được gặp Bác Hồ, người đại diện cho học sinh, sinh viên Việt Nam phát biểu trong Liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới. Sau ngày thống nhất đất nước 30-4-1975, chị Châu gặp lại anh Lê Hồng Tư từ nhà tù Côn Đảo trở về. Sau 15 năm dài đẵng đằng, hai người đã viết tiếp câu chuyện tình một thời. Anh chị lại cùng nhau tiếp tục cống hiến hết mình cho xã hội. Chị từng là Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời quận 10, còn anh là Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Hồ Chí Minh...

Ông Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên NXB Trẻ hy vọng tiểu thuyết Áo Trắng là một cuộc “trò chuyện” quý báu trong việc giáo dục truyền thống cho giới trẻ, nhất là các sinh viên, học sinh trong giai đoạn hiện nay. “Nhìn về quá khứ để nói chuyện tương lai, đi tìm hướng cho cuộc sống hiện tại, đó là điều mà NXB Trẻ luôn mong muốn chia sẻ với các độc giả. Thế nên cuốn sách này không chỉ dành cho những người đi trước muốn ôn lại những kỉ niệm quá khứ mà còn là giúp thanh niên hôm nay học tập, tìm thấy một cuộc sống có ý nghĩa”.

Đức Trung

 

 

Tin xem nhiều