Báo Đồng Nai điện tử
En

Ổn định việc làm, đời sống người lao động sau đại dịch Covid-19

09:06, 15/06/2020

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp Công đoàn quan tâm hiện nay đó là tìm giải pháp ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động (NLĐ) sau đại dịch Covid-19. Việc làm này không chỉ là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn mà còn cần sự đồng hành, phối hợp từ các sở, ngành liên quan và đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) nhằm ổn định cuộc sống NLĐ.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp Công đoàn quan tâm hiện nay đó là tìm giải pháp ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động (NLĐ) sau đại dịch Covid-19. Việc làm này không chỉ là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn mà còn cần sự đồng hành, phối hợp từ các sở, ngành liên quan và đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) nhằm ổn định cuộc sống NLĐ.

Các cán bộ Công đoàn cơ sở đề xuất kiến nghị chăm lo người lao động sau đại dịch Covid-19 tại hội nghị giao ban Công đoàn cơ sở ngành dệt may, giày da mới đây. Ảnh: L.Mai
Các cán bộ Công đoàn cơ sở đề xuất kiến nghị chăm lo người lao động sau đại dịch Covid-19 tại hội nghị giao ban Công đoàn cơ sở ngành dệt may, giày da mới đây. Ảnh: L.Mai

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Hồ Thanh Hồng cho hay, trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, các cấp Công đoàn đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ; chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền, chủ DN các chính sách tháo gỡ khó khăn cho NLĐ sau dịch bệnh.

* Nỗ lực vì cuộc sống NLĐ

Tại hội nghị giao ban với 200 cán bộ Công đoàn cơ sở (CĐCS) ngành dệt may, giày da do LĐLĐ tỉnh tổ chức mới đây, nhiều cán bộ Công đoàn cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của các DN. Thời gian qua, các CĐCS đã nỗ lực cùng với DN tìm cách tháo gỡ khó khăn để đảm bảo việc làm, thu nhập NLĐ. Hiện các DN vẫn đang tìm các phương án sản xuất lâu dài, dần khôi phục sản xuất để NLĐ không bị ảnh hưởng đến công việc và lương. 

Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Sơn Hà (TP.Biên Hòa) Nguyễn Hoài Thanh cho biết, để đảm bảo việc làm cho 1,7 ngàn lao động, CĐCS đã kịp thời làm việc với chủ DN tìm phương án ổn định sản xuất, không để NLĐ bị mất việc làm. Theo đó, DN đã đổi hướng khai thác nhiều nguồn khách hàng thay vì tập trung một nơi để mở rộng thị trường, duy trì được việc làm cho NLĐ.

Theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh, tính đến ngày 31-5, toàn tỉnh có 219 DN bị ảnh hưởng sản xuất do dịch bệnh Covid-19 và trên 103 ngàn lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập. Tổ chức Công đoàn trong tỉnh đang phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án lao động để ổn định sản xuất, duy trì việc làm cho NLĐ; nâng cao vai trò của CĐCS trong việc giám sát DN khi thực hiện cắt giảm lao động, đảm bảo các chế độ, chính sách cho NLĐ; quan tâm hơn nữa đến lao động lớn tuổi, lao động có con nhỏ, lao động gặp nhiều khó khăn...

“Từ khó khăn sau dịch bệnh, DN đã đưa ra nhiều chính sách chủ động hơn trong sản xuất nhằm không phụ thuộc vào khách hàng mà chủ động nguồn nhân lực, ổn định kinh doanh lâu dài và không để NLĐ thiếu việc làm, giảm thu nhập. Hiện tại, thị trường châu Âu đã cho xuất khẩu trở lại nên NLĐ đã có việc làm thường xuyên, giúp ổn định thu nhập cho NLĐ”- anh Thanh chia sẻ.

Trong khi đó, tại Công ty TNHH Việt Nam Wacoal (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa), CĐCS công ty đã nỗ lực bảo vệ quyền lợi, việc làm cho NLĐ trong và sau dịch bệnh. Chủ tịch CĐCS công ty Lưu Ngọc Chữ cho hay, dù DN bị ảnh hưởng do không nhập được nguyên liệu sản xuất nhưng đã sắp xếp lại công việc bằng cách cho NLĐ nghỉ 14 ngày để tìm kiếm nguyên liệu (số ngày nghỉ này được DN gộp các ngày nghỉ thứ bảy hằng tháng của NLĐ trong năm) nên NLĐ vẫn hưởng lương bình thường, không bị ảnh hưởng đến cuộc sống. Đến thời điểm này, DN vẫn phải tính toán giãn, đổi giờ làm để tiết kiệm chi phí nhưng cam kết đảm bảo thu nhập ổn định cho NLĐ.

Theo ông Hồ Thanh Hồng, tổ chức Công đoàn rất ghi nhận sự chăm lo của các chủ DN dành cho NLĐ, kể cả trong lúc khó khăn, DN vẫn luôn ưu tiên đảm bảo việc làm cho NLĐ. Đồng thời, nhiều chủ DN còn đóng góp tích cực cho địa phương để chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch và chăm lo cho người dân trên địa bàn thời gian qua. Trong thời gian tới, các chủ DN cần tiếp tục đồng hành cùng tổ chức Công đoàn, tìm ra những giải pháp để ổn định việc làm, cuộc sống của NLĐ.

* Trăn trở trước những nguyện vọng của NLĐ

Bên cạnh những DN cố gắng tìm kiếm nguồn hàng, xoay chuyển sản xuất để duy trì việc làm, đảm bảo cuộc sống của NLĐ, thì hiện vẫn còn nhiều DN gặp khó khăn về thông quan nguyên phụ liệu để sản xuất, không xuất được hàng, giảm đơn hàng nên hoạt động cầm chừng, cho công nhân nghỉ phép năm luân phiên, hoặc chuyển chế độ làm việc 3-5 ngày/tuần, thậm chí phải cho NLĐ nghỉ việc. Vì vậy, vẫn còn nhiều lao động phải nghỉ việc, ngừng việc và không có nguồn thu nhập hoặc thu nhập giảm sút.

Công nhân Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai trong giờ sản xuất
Công nhân Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai trong giờ sản xuất

Thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã kịp thời rà soát số lượng, đối tượng NLĐ bị mất việc, tạm ngừng việc do bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là NLĐ chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc chưa có hợp đồng lao động; NLĐ thời vụ trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn, giải quyết chế độ và kiến nghị với cơ quan cấp trên có chính sách tháo gỡ; triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến cộng đồng DN, NLĐ. Tuy nhiên, đến nay, NLĐ vẫn chưa nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ để ổn định cuộc sống.

Anh Ngô Đức Hoàng, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Epic Designers Việt Nam (TP.Biên Hòa) cho rằng, hiện dịch bệnh được khống chế, các DN đang khôi phục sản xuất, tuy nhiên, để NLĐ vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống sau đại dịch, các sở, ngành liên quan cần sớm thực hiện hỗ trợ gói 62 ngàn tỷ đồng của Chính phủ đến NLĐ bị ảnh hưởng công việc, thu nhập do dịch bệnh để vượt qua giai đoạn khó khăn này. “Đây là chính sách rất nhân văn, có ý nghĩa động viên NLĐ rất lớn và  họ đều rất trông chờ vào gói hỗ trợ này. Vì vậy, tôi mong các ngành chức năng nên nhanh chóng rà soát, hướng dẫn NLĐ làm hồ sơ, sớm giải quyết chế độ cho NLĐ” - anh Hoàng chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Trà, làm việc tại một DN điện tử (tại Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, sau 2 tháng nghỉ việc ở công ty do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cuộc sống gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, tiền sinh hoạt hằng ngày phải chi tiêu tằn tiện, chưa kể các khoản tiền học cho con, tiền thuê trọ đều đóng trễ hơn so với trước đây. “Tôi năm nay đã trên 40 tuổi, nếu đi xin việc ở DN mới rất khó khăn. Hiện tại, vì không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp nên tôi rất trông chờ vào gói hỗ trợ của Chính phủ để có chi phí lo cuộc sống hiện tại, trước khi tìm được công việc phù hợp trong thời gian tới” - chị Trà cho hay.

Để chia sẻ khó khăn với NLĐ trong và sau đại dịch Covid-19, tổ chức Công đoàn tỉnh và các DN đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ NLĐ như: hỗ trợ gạo, tiền mặt, tặng quà... nhằm giúp NLĐ vượt qua khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, về lâu dài, NLĐ mong muốn các ngành chức năng liên quan cũng như địa phương cần có nhiều giải pháp hỗ trợ cụ thể và quan tâm hơn nữa nhằm đảm bảo quyền lợi và các chế độ, chính sách thỏa đáng của NLĐ.

Anh Hồ Hoàng Anh, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Elite Long Thành cho rằng, ngoài sự quan tâm của tổ chức Công đoàn và DN, các ngành chức năng cần có nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực, đảm bảo an sinh cho NLĐ. Bên cạnh đó, đối với thủ tục giải quyết chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp, cần tạo điều kiện cho NLĐ làm thủ tục nhanh, tránh phải đi lại nhiều lần, mất thời gian chờ đợi.

Theo LĐLĐ tỉnh, để giúp NLĐ ổn định cuộc sống sau đại dịch, cùng với sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, các DN cần phải sắp xếp sản xuất, bố trí việc làm phù hợp và chi trả quyền lợi của NLĐ đầy đủ. Bên cạnh đó, cán bộ CĐCS phải tuyên truyền để NLĐ hiểu và chia sẻ với DN, có thể giảm thu nhập nhưng vẫn đảm bảo việc làm, tiếp tục được đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng những chính sách an sinh sau này.

Lan Mai

Tin xem nhiều