Những năm qua, Luật Việc làm năm 2013 đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những bất cập, hạn chế về thúc đẩy giải quyết việc làm và quy định về trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai. Ảnh:L.Mai |
Đó là nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua. Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Việc làm là cần thiết để phát triển thị trường lao động phù hợp với hoàn cảnh mới, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho lực lượng lao động.
Đảm bảo quyền lợi của người lao động
Góp ý về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng, tại khoản 2, Điều 65 Dự thảo Luật Việc làm quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng. Nếu quy định như vậy, NLĐ có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên 144 tháng thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian hưởng tối đa là 12 tháng và không được bảo lưu. Việc này không đảm bảo quyền lợi của người tham gia chế độ BHTN và đảm bảo công bằng theo nguyên tắc có đóng có hưởng.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) đánh giá việc quy định như trên vô hình trung tước bỏ quyền lợi của NLĐ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp vào quỹ BHTN và đi ngược lại nguyên tắc đóng, hưởng cơ bản của bảo hiểm xã hội. Bà Hà đề nghị bỏ quy định này để duy trì tính công bằng, minh bạch trong chính sách BHTN, đồng thời củng cố niềm tin của NLĐ với hệ thống an sinh xã hội.
Các đại biểu nhận định, quy định đóng BHTN trên 144 tháng không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy, vừa gây thiệt thòi cho NLĐ, vừa làm suy yếu chính sách an sinh xã hội. Mặt khác, quy định này sẽ có nguy cơ khuyến khích rút bảo hiểm xã hội một lần khi NLĐ không còn động lực để gắn bó với hệ thống bảo hiểm lâu dài. Do đó, cần bỏ quy định này để duy trì tính công bằng, minh bạch trong chính sách BHTN.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có 8 chương, 133 điều. Trên cơ sở dự thảo và góp ý của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện theo hướng bổ sung làm rõ hơn, đặc biệt là tạo khung khổ pháp lý tạo việc làm đầy đủ, chất lượng và năng suất lao động cao.
Với vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi NLĐ, nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng còn có những bất cập về chính sách BHTN.
Theo đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Long Khánh, dự thảo luật quy định trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng hoặc trốn đóng BHTN, NLĐ được phép sử dụng tiền của mình nộp vào quỹ bảo hiểm để hưởng các chế độ. Quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến NLĐ, vì doanh nghiệp (DN) nợ tiền bảo hiểm mà NLĐ phải tự nộp. Trong trường hợp này cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của DN để bảo vệ quyền lợi NLĐ.
Anh Lê Minh Hải, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Long Bình (thành phố Biên Hòa), cho hay Luật Việc làm (sửa đổi) cần nghiên cứu và có giải pháp để giải quyết các vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHTN. Thời gian qua, việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội khiến NLĐ bị ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và giải quyết chế độ nếu không may bị mất việc. Với BHTN cũng vậy, khi DN trốn đóng, chậm đóng thì NLĐ sẽ không được hưởng chế độ BHTN và không có nguồn thu để ổn định cuộc sống.
Tạo việc làm bền vững
Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung 4 nhóm chính sách gồm: quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững, hội nhập và tập trung; hoàn thiện chính sách BHTN là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) còn bổ sung các quy định chính sách hỗ trợ việc làm cho người yếu thế, đặc thù như: phát huy vai trò lao động của người cao tuổi, sử dụng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lao động nghèo, lao động dân tộc thiểu số, lao động nữ… Bên cạnh đó, dự luật cũng quy định các chính sách hỗ trợ việc làm phù hợp với xu hướng mới như: việc làm xanh, việc làm số, chuyển đổi năng lượng, thích ứng già hóa dân số.
Theo Bộ Lao động, thương binh và xã hội, việc sửa đổi Luật Việc làm sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.
Thực tế, thời gian qua, nghịch lý cung - cầu lao động đã gây nhiều khó khăn cho DN trong việc tuyển lao động. Trong khi NLĐ vẫn thất nghiệp và không tìm được việc làm thì các DN lại gặp khó khăn trong việc tuyển lao động. Đây là vấn đề cần đặt ra và nhìn nhận một cách nghiêm túc về thị trường lao động Việt Nam. Việc hoàn thiện thị trường lao động toàn diện, thích ứng và bền vững, giải quyết tình trạng bất ổn là rất cần thiết.
Theo các cán bộ Công đoàn, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định hỗ trợ tạo việc làm mới, duy trì, mở rộng việc làm thông qua ngân hàng chính sách xã hội từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; quy định cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi. Đây là nội dung được nhiều lao động quan tâm, nhất lao động lớn tuổi mong muốn được hỗ trợ việc làm nếu không may thất nghiệp hoặc bị mất việc đột ngột.
Lan Mai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin