Công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, nhiều lao động tự do đang phải mưu sinh bằng đủ nghề, nhất là những tháng cuối năm, để mong có tiền trang trải dịp Tết.
Lao động ngành xây dựng trên công trình. Ảnh: T.My |
Hơn 6 năm làm nghề phụ hồ tại Đồng Nai, chị Bùi Thị Xíu (quê tỉnh An Giang) vẫn long đong với cuộc sống xa quê. Công việc của chị là đi làm khắp các công trình theo sự điều phối, phân công của nhà thầu. Những tháng cuối năm, công trình xây dựng ít khiến thu nhập của chị giảm mạnh.
“Làm phụ hồ nhận lương theo ngày nên không đi làm thì nguồn thu bị hao hụt mạnh, trong khi chi phí tiền nhà trọ, tiền điện, nước và ăn uống hàng tháng vẫn phải trả” - chị Xíu chia sẻ.
Còn bà Trần Thị Châu (ngụ khu phố 3, phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa), năm nay đã 76 tuổi nhưng vẫn đạp xe rong ruổi khắp các con hẻm để mua ve chai, bán lại kiếm thu nhập. Khuôn mặt khắc khổ với làn da đen sạm nhiều nếp nhăn, bà Châu chậm rãi nhặt từng chai nước bỏ vào túi, sau đó chất đống trên chiếc xe đạp cũ. Ở tuổi của bà, đáng lẽ được nghỉ ngơi bên con cháu nhưng vì mưu sinh, vì miếng cơm manh áo, bà vẫn phải làm việc dù trời mưa hay nắng.
Bà Châu cho biết, bà có 2 con, đã lập gia đình nhưng đều làm công nhân, thu nhập thấp nên bà không muốn dựa vào các con mà tự mưu sinh.
“Nghề này vất vả vì thường xuyên rong ruổi ngoài trời, song tôi phải cố gắng để không trở thành gánh nặng cho con” - bà Châu chia sẻ.
Hiện lao động tự do phần lớn không có bằng cấp, không có tay nghề hoặc quá tuổi tuyển dụng nên chỉ có thể làm những công việc mang tính chất thời vụ hoặc lao động chân tay. Đặc biệt, lao động tự do không có bảo hiểm xã hội và các chế độ nên họ không có điểm tựa nếu chẳng may thất nghiệp hoặc ốm đau, bệnh tật.
Dù chật vật mưu sinh với nhiều gian nan phía trước nhưng điều mà nhiều lao động lo lắng là ngoài tiền công lao động, họ không được hưởng bất cứ một quyền lợi gì, kể cả khi không may bị tai nạn lao động phải nghỉ việc dài ngày. Nhiều lao động cho biết, vào dịp cuối năm, họ lại thấy tủi thân vì không có lương, thưởng Tết. Sự an ủi lớn nhất của họ là phần quà của các chủ nhà trọ hoặc của mạnh thường quân.
Nhằm giúp lao động phi chính thức có địa điểm sinh hoạt cũng như được chăm lo, hỗ trợ, năm 2024, các cấp Công đoàn tỉnh đã đẩy mạnh thành lập nghiệp đoàn cơ sở nhằm thu hút lao động tự do gia nhập tổ chức Công đoàn; cụ thể như: nghiệp đoàn vận tải, nghiệp đoàn xe ôm và nghiệp đoàn cắt tóc thiện nguyện. Hy vọng khi tham gia vào nghiệp đoàn, lao động tự do sẽ được bảo vệ quyền lợi, được hỗ trợ vay vốn cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động lành mạnh do Công đoàn và địa phương tổ chức.
Thảo My
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin