Cuối năm thường là thời điểm người lao động (NLĐ) quan tâm đến tình hình lương, thưởng Tết và các chế độ phúc lợi tại doanh nghiệp (DN). Do đó, khi các chính sách không đảm bảo, kịp thời, rất dễ xảy ra tình trạng đình công, lãn công, ngừng việc.
Đại diện Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) trao đổi công việc với công nhân tại xưởng sản xuất. Ảnh: T.My |
Để ổn định quan hệ lao động, các cấp Công đoàn đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ổn định tư tưởng, việc làm của NLĐ; đồng thời, phối hợp với DN đối thoại, giải đáp những kiến nghị của NLĐ kịp thời, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường đối thoại
Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, trong 9 tháng của năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ ngừng việc tập thể tại 8 DN với 5.451/7.590 công nhân lao động tham gia. Các vụ ngừng việc xảy ra chủ yếu trên địa bàn các huyện: Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch và thành phố Biên Hòa. Nguyên nhân ngừng việc liên quan đến mức thưởng Tết Nguyên đán 2024, thay đổi thời giờ làm việc, thời gian nâng lương và việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng…
Sau các vụ ngừng việc, tổ chức Công đoàn phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh kịp thời làm việc với lãnh đạo các DN nhằm đối thoại, giải quyết kiến nghị của NLĐ trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên và NLĐ đã đồng thuận trở lại làm việc bình thường. Tuy nhiên, các vụ phản ứng lao động tập thể xảy ra ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của DN và an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tư tưởng làm việc của NLĐ không tập trung khi DN thông báo các chính sách mới hoặc đổi giờ làm mà chưa thỏa thuận, lấy ý kiến của NLĐ.
Để ổn định quan hệ lao động, LĐLĐ tỉnh đề nghị các Công đoàn cơ sở, nhất là đơn vị đông công nhân, phối hợp với DN thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở ở nơi làm việc; quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của NLĐ; đồng thời, sớm thông báo lương, thưởng Tết để động viên công nhân yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với DN.
Trong tháng 7 vừa qua, một DN dệt may đóng chân tại Khu công nghiệp Loteco (thành phố Biên Hòa) đã xảy ra ngừng việc tập thể kéo dài 5 ngày với trên 400 công nhân tham gia. Nguyên nhân liên quan đến việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Cụ thể, công ty thông báo điều chỉnh lương tăng thêm 140 ngàn đồng/người/tháng nhưng NLĐ yêu cầu tăng thêm 280 ngàn đồng/người/tháng theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30-6-2024 của Chính phủ. DN trình bày với NLĐ không có đơn hàng nên không thể điều chỉnh thêm mức lương và mời đại diện NLĐ đến thương lượng, giải thích về tình hình sản xuất của DN.
Theo nhiều công nhân làm việc tại DN trên, trước khi điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, DN không đối thoại, báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh và khó khăn về đơn hàng cho NLĐ biết. Do đó, khi bất ngờ nhận thông báo điều chỉnh lương thấp hơn mức quy định theo vùng, công nhân đã bức xúc và ngừng việc để đòi quyền lợi chính đáng. Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo DN đã gặp gỡ NLĐ giải thích rõ về tình hình đơn hàng giảm và công nhân đã chia sẻ khó khăn, trở lại làm việc bình thường.
Rất nhiều vụ việc tương tự xảy ra mà nguyên nhân chính là DN không thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, tổ chức đối thoại, trao đổi với NLĐ trước khi thay đổi các chính sách mới.
Nắm bắt tư tưởng, việc làm của người lao động
Tại Hội nghị Giao ban hoạt động Công đoàn 10 tháng của năm 2024 do LĐLĐ tỉnh tổ chức mới đây, các đơn vị Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cho biết, thời điểm này, bên cạnh những DN có đơn hàng trở lại, vẫn còn nhiều DN khó khăn, nhất là lĩnh vực sản xuất gỗ. Theo đó, NLĐ phải giảm thời gian làm việc và thu nhập. Một số DN đã nợ lương, bảo hiểm xã hội của NLĐ kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Do đó, rất dễ xảy ra vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động.
Công nhân Công ty CP Công nghiệp chính xác Việt Nam (VPIC, huyện Trảng Bom) thi đua sản xuất. Ảnh: Thảo My |
Chủ tịch LĐLĐ huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Minh Châu cho biết, những DN sản xuất gỗ trên địa bàn huyện hiện vẫn khó khăn về đơn hàng và bố trí cho công nhân nghỉ việc luân phiên hoặc giảm giờ làm. LĐLĐ huyện chỉ đạo các Công đoàn cơ sở giám sát việc chi trả các chế độ, chính sách của DN đối với NLĐ đảm bảo đúng quy định, hạn chế tình trạng mâu thuẫn, đình công xảy ra. Cùng với đó, phối hợp với DN đối thoại, ổn định tinh thần làm việc cho NLĐ.
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Long Khánh Trương Thị Bích Liên cho hay, đến thời điểm này, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn ổn định, hài hòa. Các DN duy trì sản xuất và lo việc làm ổn định cho công nhân. Từ đầu năm đến nay, các Công đoàn cơ sở phối hợp với DN quan tâm đến phúc lợi, thưởng năng suất, tặng quà, tặng vàng cho lao động nhiều năm gắn bó. Ngoài ra, thực hiện đúng các chính sách như đã cam kết với NLĐ tại thỏa ước lao động tập thể. Đối với một số DN còn nợ bảo hiểm xã hội của NLĐ, đơn vị tổ chức đến làm việc với lãnh đạo DN nhiều lần nhằm đòi lại quyền lợi chính đáng cho NLĐ.
Chỉ đạo tại Hội nghị Giao ban hoạt động Công đoàn 10 tháng năm 2024, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý đề nghị các đơn vị bám sát cơ sở, tăng cường nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của NLĐ; tập trung ổn định quan hệ lao động và tổ chức các hoạt động chăm lo Tết an toàn, chu đáo, thiết thực và tiết kiệm cho đoàn viên, NLĐ. Bên cạnh đó, nắm chắc phát sinh quan hệ lao động để kịp thời báo cáo Công đoàn cấp trên, địa phương để giải quyết ngay, không để đình công, ngừng việc tập thể xảy ra.
“Từ nay đến Tết Nguyên đán 2025, Công đoàn các cấp cần tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ NLĐ khó khăn và chú trọng công tác tuyên truyền ổn định tư tưởng cho NLĐ. Từ đó, thúc đẩy ổn định sản xuất, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của đơn vị, DN và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - bà Như Ý nhấn mạnh.
Thảo My
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin