Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao phát triển đoàn viên Công đoàn gặp khó khăn?

Lan Mai
08:17, 01/10/2024

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 1,5 ngàn doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện nhưng chưa thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS). Việc tiếp cận để phát triển đoàn viên Công đoàn còn nhiều khó khăn, nhất là một số chủ DN chưa tạo điều kiện. Ngoài ra, lao động giảm cũng phần nào ảnh hưởng nhiều đến chỉ tiêu phát triển đoàn viên.

Thành lập Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Asian Blending (huyện Long Thành). Ảnh: CĐ
Thành lập Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Asian Blending (huyện Long Thành). Ảnh: CĐ

Đó là thông tin được các cấp Công đoàn chia sẻ tại buổi làm việc giữa Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam với Thường trực Tỉnh ủy diễn ra cuối tuần qua.

Còn nhiều khó khăn

Theo LĐLĐ tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã thành lập được 79 CĐCS và 3 nghiệp đoàn phi chính thức, phát triển mới gần 34 ngàn đoàn viên. Mặc dù nhiều đơn vị Công đoàn cấp trên cơ sở đạt và vượt chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS nhưng thực tăng không đáng kể do lao động ở các DN giảm. Mặt khác, nhiều lao động chọn về quê làm việc hoặc “nhảy việc” từ công ty này qua công ty khác khiến việc phát triển đoàn viên còn hạn chế.

Đơn cử như tại huyện Trảng Bom hiện có 120 ngàn lao động. Trong 9 tháng của năm 2024, LĐLĐ huyện đã thành lập 10/12 CĐCS, phát triển 3,8 ngàn công đoàn viên. Tuy nhiên, số lượng đoàn viên giảm khoảng 5,8 ngàn người. Việc giảm đoàn viên đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động Công đoàn cũng như hoàn thành chỉ tiêu được giao. Đơn vị kiến nghị tăng biên chế cán bộ Công đoàn nhằm bố trí nhân lực bám sát cơ sở, thực hiện tốt nhiệm vụ, đẩy mạnh tuyên truyền, thu hút NLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn.

Tại thành phố Long Khánh, mặc dù chỉ tiêu phát triển tổ chức Công đoàn đến nay đã vượt, song cũng gặp không ít khó khăn. Chủ tịch LĐLĐ thành phố Long Khánh Trương Thị Bích Liên cho hay, thời gian qua, đơn vị đã bám sát chỉ tiêu, kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác khảo sát để vận động chủ sử dụng lao động tạo điều kiện thành lập CĐCS. Theo đó, việc phát triển đoàn viên đến nay đã vượt 200%.

“Chúng tôi khảo sát, lựa chọn đơn vị nào dễ sẽ tiếp cận, thành lập CĐCS trước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì việc vận động thành lập tổ chức Công đoàn còn rất nhiều khó khăn. Có những đơn vị, DN, cán bộ Công đoàn đeo bám, thuyết phục bằng nhiều hình thức nhưng chủ DN vẫn chưa đồng ý” - bà Liên chia sẻ.

Một số đơn vị Công đoàn khác cũng chia sẻ, hiện các DN có số lượng dưới 25 lao động chủ yếu hoạt động nhỏ, không ổn định nên rất khó trong việc tiếp cận. Mặt khác, cán bộ CĐCS gặp áp lực, biến động, thay đổi công việc đã ảnh hưởng đến hoạt động Công đoàn và công tác phát triển đoàn viên. Do đó, Công đoàn cấp trên cần dựa trên số lượng đoàn viên tại đơn vị để phân bổ phù hợp nhằm làm tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Theo LĐLĐ tỉnh, tính đến tháng 9-2024, đơn vị quản lý 17 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và gần 3 ngàn CĐCS với trên 670 ngàn đoàn viên/tổng số hơn 705 ngàn lao động. Tỷ lệ tập hợp đoàn viên trên 95%, đứng thứ 3 cả nước về số đoàn viên Công đoàn.

Cần đổi mới cách tiếp cận

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho hay, để thực hiện chỉ tiêu phát triển đoàn viên, hàng năm, đơn vị chỉ đạo các Công đoàn cấp trên cơ sở tập trung rà soát, khảo sát DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập chưa thành lập tổ chức Công đoàn. Theo đó, 100% đơn vị xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, trọng tâm là ở các DN khu vực ngoài nhà nước. Đồng thời, gắn công tác phát triển đoàn viên với việc đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở, sát đoàn viên.

Tuy nhiên, việc phát triển đoàn viên hiện nay đang chững lại do nhiều nguyên nhân. Trong đó, NLĐ về quê không trở lại làm việc sau đại dịch Covid-19 ước khoảng 50-60 ngàn người. Ngoài ra, các DN tạm ngưng sản xuất, đóng cửa, không có đơn hàng dẫn đến công nhân nghỉ việc. Tại một số DN, số lượng lao động không ổn định, thường xuyên thay đổi hoặc chủ DN thiếu hợp tác trong việc thành lập tổ chức CĐCS…

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, hiện nay, tại các DN trong khu công nghiệp, lao động phổ thông ngày càng giảm do nhiều người di cư về các tỉnh phía Bắc làm việc. Nhiều DN hiện vẫn khó tuyển lao động và đang tích cực tuyển dụng bằng nhiều hình thức. Do đó, tổ chức Công đoàn trước mắt không quá đặt nặng số lượng, mà cần nâng cao chất lượng hoạt động để thu hút đoàn viên.

Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, công tác phát triển đoàn viên là vấn đề gốc rễ của tổ chức Công đoàn, phải được ưu tiên hàng đầu. Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021  của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đặt ra yêu cầu đối với tổ chức Công đoàn là phấn đấu đến năm 2025, tăng số lượng lên 15 triệu đoàn viên. Do đó, để đạt mục tiêu, tổ chức Công đoàn Đồng Nai cần tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, tiếp cận, khảo sát địa bàn, đơn vị để vận động phát triển tổ chức Công đoàn.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường đề nghị tổ chức Công đoàn chú trọng tập hợp, thu hút NLĐ tham gia tổ chức Công đoàn thông qua hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả.

“Công đoàn phải thực hiện tốt chức năng cốt lõi là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Trong đó, cần sâu sát cơ sở, nắm bắt đời sống, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên” - Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường nhấn mạnh.          


 

Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam NGỌ DUY HIỂU: Cần sớm vận hành ban chỉ đạo phát triển đoàn viên

Phát triển đoàn viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn, song đang gặp nhiều khó khăn do một số lĩnh vực giảm lao động. Tuy nhiên, để đạt chỉ tiêu được giao, Công đoàn Đồng Nai cần hoàn thiện và sớm vận hành Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ DN và NLĐ đối với công tác thành lập CĐCS. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS vì đây là vấn đề gốc rễ, cần được quan tâm nhiều hơn. Các cấp Công đoàn cần nắm chắc tình hình đời sống công nhân, quan tâm công nhân nòng cốt ở cơ sở.

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG: Quan tâm thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp

Việc thực hiện quy chế dân chủ (nhất là ký kết thỏa ước lao động tập thể) tại các DN trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất hiệu quả, nhất là trong DN nhà nước. Do đó, LĐLĐ tỉnh cần đẩy mạnh nội dung này nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chế độ, chính sách cho công nhân.

Công đoàn cần quan tâm đến vấn đề DN nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của NLĐ và cần giải pháp khắc phục. Ngoài ra, cần có phần mềm quản lý DN, nắm chắc số lượng đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn để vận động thành lập.

 

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh NGUYỄN THỊ NHƯ Ý: Kiến nghị tăng biên chế cán bộ Công đoàn

Hiện nay, tỷ lệ tập hợp đoàn viên vào tổ chức Công đoàn đạt 95%, tỷ lệ giữ ổn định trong cả nhiệm kỳ dao động từ 93-95%, nên để tăng thêm tỷ lệ tập hợp cũng là một nhiệm vụ khó khăn. Bên cạnh đó, hiện số lượng biên chế cán bộ Công đoàn ngày càng giảm, trong khi số lượng biên chế ở đơn vị tập trung đông lao động không tăng.

Để đảm bảo hoạt động, Công đoàn Đồng Nai kiến nghị Tổng LĐLĐ xem xét cho chủ trương thực hiện hợp đồng khoán, hợp đồng chuyên môn ngoài số lượng biên chế cấp ủy giao. Ngoài ra, ban hành quy định riêng về hoạt động của nghiệp đoàn cơ sở theo hướng đoàn viên được chăm lo, hỗ trợ kinh phi và gắn kết với hoạt động của tổ chức Công đoàn.

Thảo My (ghi)


Lan Mai

Tin xem nhiều