Để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động (NLĐ), các cấp Công đoàn trong tỉnh đặt mục tiêu lấy đoàn viên làm trung tâm của mọi hoạt động. Từ đó, tạo được uy tín, niềm tin của NLĐ với tổ chức Công đoàn.
Liên đoàn Lao động thành phố Long Khánh tặng quà cho con công nhân. Ảnh: CĐ |
9 tháng của năm 2024, nhiều mô hình, cách làm mới từ tỉnh đến cơ sở đã tạo động lực thúc đẩy NLĐ vượt qua khó khăn, yên tâm làm việc, giúp các đơn vị, doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu, kế hoạch sản xuất.
Tiếp thêm nghị lực cho người lao động
Với tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc nhau vượt qua khó khăn, đầu tháng 9 vừa qua, Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Longwell (huyện Thống Nhất) đã kêu gọi tập thể lao động trong công ty đóng góp, hỗ trợ chị Trịnh Thị Nhàn, công nhân xưởng F27, có con mắc bệnh hiểm nghèo. Chỉ sau ít ngày vận động, Công đoàn công ty đã tổng hợp được số tiền gần 90 triệu đồng và trao cho chị Nhàn trong trong nghĩa tình chia sẻ.
Chị Nhàn bộc bạch: “Tôi cảm ơn CĐCS đã sát cánh với đời sống NLĐ, hiểu hoàn cảnh và làm cầu nối để vận động, hỗ trợ gia đình tôi trong lúc khó khăn. Số tiền lớn này sẽ giúp tôi vơi bớt gánh nặng chi phí chữa bệnh cho con trong thời gian tới”.
Theo LĐLĐ tỉnh, những tháng cuối năm, các cấp Công đoàn tập trung ổn định đời sống, việc làm và các nguồn lực để chăm lo Tết Nguyên đán 2025 cho NLĐ. Từ đó, NLĐ nhận thấy những lợi ích thiết thực và tích cực tham gia, tin tưởng vào các hoạt động của tổ chức Công đoàn. |
Chị Nhàn là một trong rất nhiều công nhân tại các đơn vị, doanh nghiệp được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Mới đây, Công đoàn Công ty TNHH Pou Phong (huyện Trảng Bom) đến nhà và trao quà Tết Trung thu cho các em nhỏ là con của đoàn viên, NLĐ bị khuyết tật. Những phần quà nhỏ đã mang lại niềm vui, niềm hy vọng cho nhiều em còn thiếu may mắn trong cuộc sống.
Chủ tịch Công đoàn công ty Nguyễn Minh Tâm cho biết, cùng với đẩy mạnh các hoạt động phúc lợi cho NLĐ tại công ty, việc quan tâm đến con em của họ cần được thực hiện nhiều hơn. Mỗi năm, các hoạt động đều đổi mới để làm sao có nhiều NLĐ được chăm lo, nhất là các trường hợp có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
“Khi trao những phần quà đến tay con công nhân bị khuyết tật, cán bộ Công đoàn chúng tôi vừa thương, vừa xúc động, bởi nhiều em chưa biết đến Tết Trung thu do cha mẹ bận làm việc tại nhà máy để mưu sinh. Do đó, sự thăm hỏi, tặng quà của Công đoàn đã tiếp thêm nghị lực rất lớn cho các em” - anh Tâm chia sẻ.
Lan tỏa các mô hình chăm lo cho công nhân
Những ngày qua, các cán bộ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Long Khánh tất bật đến các khu nhà trọ để tặng quà cho con đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Sự chia sẻ của cán bộ Công đoàn không chỉ thể hiện qua những phần quà, mà là tình cảm, sự yêu thương với mong muốn mang lại cho con công nhân một mùa Trung thu ý nghĩa, đáng nhớ.
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Long Khánh Trương Thị Bích Liên cho hay, trực tiếp đến các phòng trọ tặng quà cho con công nhân lao động, điều cán bộ Công đoàn ấn tượng và xúc động nhất là hình ảnh những gương mặt hồn nhiên của các cháu. Mỗi phần quà dù mang giá trị không nhiều nhưng thiết thực về mặt tinh thần, bởi nhiều cháu còn thiếu thốn về vật chất, không gian sống. Hiểu được điều đó, LĐLĐ thành phố Long Khánh luôn dành nhiều sự quan tâm cho các cháu trong các dịp lễ, Tết, ngày đặc biệt.
Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Bùi Thị Bích Thủy (đứng, bìa trái) cùng các cán bộ Công đoàn giám sát việc tổ chức bữa cơm giữa ca của công nhân lao động tại doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hòa |
Tổ chức Công đoàn còn triển khai Bữa cơm Công đoàn tại các CĐCS và nhận được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp. Đến nay, hơn 156 doanh nghiệp đã triển khai thực hiện với sự tham gia của hơn 254 ngàn đoàn viên. Đây là mô hình mới khẳng định trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong công tác chăm lo, quan tâm đến đoàn viên; đồng thời, hướng tới xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn cho NLĐ.
LĐLĐ tỉnh cho hay, Bữa cơm Công đoàn là dịp để tất cả đoàn viên, NLĐ và doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn cùng chia sẻ trên tinh thần lắng nghe, thấu hiểu. Qua đó, tạo niềm tin, sự gắn bó của NLĐ với Công đoàn và doanh nghiệp. Từ thành công của chương trình này, Công đoàn Đồng Nai kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức thường xuyên hơn để NLĐ được thụ hưởng. Đồng thời, đề xuất Chính phủ xem xét đưa nội dung bữa ăn ca thành chế độ chính sách bắt buộc để đảm bảo sức khỏe NLĐ trong quá trình làm việc.
Sát cánh cùng đời sống công nhân, nhiều CĐCS tiếp tục triển khai các mô hình chăm lo như: xây, sửa nhà mới cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ vay vốn cải thiện đời sống, hỗ trợ mua hàng trả góp, bán hàng bình ổn giá và quyên góp hỗ trợ công nhân bị bệnh hiểm nghèo… Những hoạt động này được lan tỏa ở nhiều đơn vị, giúp NLĐ từng bước khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống đáng kể.
Theo Phó chủ tịch LĐLĐ huyện Long Thành Đào Thị Kim Loan, sự sâu sát, chăm lo đời sống công nhân lao động phải bắt đầu từ sự quan tâm của CĐCS, nơi gần nhất với NLĐ. Với những cách làm mới từ cơ sở, công nhân lao động được chăm lo phúc lợi lâu dài, yên tâm sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp.
Lan Mai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin