Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đình công, lãn công, ngừng việc tập thể tại các doanh nghiệp (DN) thời gian qua chính là việc không giữ được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Chủ sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) xảy ra mâu thuẫn, xung đột về lợi ích, không tìm được tiếng nói chung làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và việc làm, thu nhập của NLĐ.
Thực tế từ các vụ ngừng việc tập thể cho thấy nguyên nhân chủ yếu liên quan đến việc DN thiếu sự công khai, minh bạch trong thực hiện các chế độ, chính sách dành cho NLĐ. Không ít DN còn xem nhẹ việc tổ chức hội nghị đối thoại, gặp gỡ NLĐ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Có DN lảng tránh việc ký kết thỏa ước lao động tập thể hoặc có ký cũng cố tình “phớt lờ” những điều khoản liên quan đến chế độ phúc lợi của NLĐ. Đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở ở nhiều DN vẫn còn thiếu kinh nghiệm, chưa thực sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, chưa đủ uy tín để làm chỗ dựa vững chắc cho NLĐ. Bên cạnh đó, còn một bộ phận NLĐ thiếu hiểu biết về pháp luật lao động, ngừng việc tập thể theo tâm lý đám đông, không có sự chia sẻ, đồng cảm với khó khăn của DN…
Để đảm bảo được mối quan hệ lao động hài hòa, vai trò của Công đoàn cơ sở đặc biệt quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, thương lượng giữa chủ DN và NLĐ trong việc thực hiện đúng các quy định pháp luật. Chủ DN phải thấy được trách nhiệm của mình đối với NLĐ, nhất là về lương, thưởng, chế độ phúc lợi. DN phải xem NLĐ là nguồn lực quan trọng, từ đó tập trung chăm lo, lắng nghe NLĐ. Ngược lại, NLĐ cũng phải am hiểu pháp luật, tuân thủ những quy định của DN, cũng như biết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đặc biệt, tổ chức Công đoàn phải sâu sát với NLĐ, không để NLĐ bị lôi kéo, kích động, đòi hỏi những chế độ nằm ngoài khả năng đáp ứng của DN.
Những năm gần đây, Đồng Nai được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao trong việc phát huy vai trò của Công đoàn cơ sở nhằm đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Công đoàn cơ sở ở nhiều đơn vị đã thực sự là cầu nối giữa DN và NLĐ; tích cực thương lượng với chủ DN triển khai các chính sách có lợi cho NLĐ, nhất là việc tăng lương tối thiểu, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. Nhờ sự khéo léo của tổ chức Công đoàn mà các bản thỏa ước lao động tập thể có nhiều hơn những điều khoản có lợi cho NLĐ, thúc đẩy họ nỗ lực làm việc, gắn bó và cống hiến lâu dài với DN.
Người sử dụng lao động và NLĐ khi đã tìm được tiếng nói chung với sự sâu sát của tổ chức Công đoàn trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ chắc chắn sẽ đảm bảo được mối quan hệ lao động ổn định, vững chắc.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin