Báo Đồng Nai điện tử
En

Bấp bênh đời sống nữ công nhân:
Bài cuối: Chăm lo, bảo vệ quyền lợi của nữ công nhân

Nguyễn Hòa - Nga Sơn
07:10, 27/06/2024

Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 10 nước thực hiện tốt mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Nhằm đảm bảo bình đẳng giới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách dành riêng cho nữ giới, trong đó có nữ công nhân lao động.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lê Thị Thái thăm, nắm tình hình nữ công nhân bị hành hung tại doanh nghiệp năm 2023.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lê Thị Thái thăm, nắm tình hình nữ công nhân bị hành hung tại doanh nghiệp năm 2023. Ảnh: N.Sơn

Thời gian qua, các cấp, các ngành, nhất là tổ chức Công đoàn, hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc hiện thực hóa các chính sách, góp phần nâng cao đời sống nữ công nhân lao động.

Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần

Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết, những năm qua, các cấp Công đoàn luôn quan tâm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động (NLĐ), đặc biệt là lao động nữ. Các cấp Công đoàn đã tham mưu, đề xuất thực hiện các nội dung liên quan đến lợi ích chính đáng cho NLĐ; nghiên cứu, tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ và trẻ em. Công đoàn còn đặc biệt quan tâm tới việc tổ chức các hoạt động chăm lo thiết thực đến đời sống, sức khỏe, việc làm của nữ công nhân lao động.

Hàng năm, nữ công nhân đều được chăm sóc sức khỏe định kỳ, khám - chữa bệnh phụ khoa, cải thiện điều kiện làm việc. Các cấp Công đoàn đề xuất nhiều biện pháp để từng bước giải quyết vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, nhà ở, thiết chế văn hóa cho công nhân ở các khu công nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong việc giao đất và các điều kiện để xây dựng trường mầm non, mẫu giáo cho con công nhân ở các khu công nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 7 DN xây dựng được trường mầm non, mẫu giáo cho con công nhân, 32 DN bố trí 75 phòng vắt trữ sữa mẹ cho lao động nữ nuôi con nhỏ.

Theo ý kiến của nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở, NLĐ là động lực, là vốn quý của mỗi DN. Để phát huy được vốn quý ấy, rất cần DN chăm lo đời sống cho NLĐ, nhất là lao động nữ, để giúp họ tận tâm cống hiến, làm việc hiệu quả.

Ở các Công đoàn cơ sở triển khai nhiều mô hình thiết thực cho nữ công nhân như: hỗ trợ lao động nữ vay vốn cải thiện đời sống, tổ chức khám sức khỏe sinh sản, lắp đặt phòng vắt - trữ sữa, khen thưởng con công nhân lao động đạt thành tích học giỏi, sống tốt…

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Dona Pacific (huyện Trảng Bom) Đặng Thị Thơm cho biết, hàng tháng, Công đoàn thăm hỏi, động viên đoàn viên nữ ốm đau, khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, thực hiện các đợt quyên góp ủng hộ lao động nữ bị bệnh hiểm nghèo. Hàng năm đều tổ chức Ngày hội Gia đình công nhân, Ngày hội Mẹ và bé cho cả gia đình công nhân cùng tham gia…

Tại Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2), lao động nữ mang thai được ăn cơm sớm hơn quy định 5 phút, khi mang thai đến tuần 24, mỗi ngày được giảm một giờ làm việc mà vẫn được hưởng đủ lương. Ngoài ra, lao động nữ còn được hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ, DN xây dựng trường mầm non để công nhân gửi con, yên tâm làm việc.

Để giảm bớt khó khăn về chi phí thuê nhà ở cho NLĐ, các cấp Công đoàn vận động người sử dụng lao động hỗ trợ một phần chi phí thuê nhà hoặc xây nhà ở, ký túc xá cho công nhân thuê với giá rẻ. Theo thống kê, có 90% DN đã thực hiện hỗ trợ tiền nhà ở cho NLĐ, mức hỗ trợ trung bình là 500 ngàn đồng/người/tháng.

Các cấp hội LHPN trên địa bàn dân cư cùng với Công đoàn và địa phương vận động chủ nhà trọ không tăng giá phòng trọ, điện, nước; xây dựng các khu nhà trọ sạch sẽ, cao ráo, đảm bảo điều kiện vệ sinh, diện tích và an ninh trật tự, góp phần ổn định cuộc sống cho nữ công nhân.

Tại cuộc họp liên quan đến bình đẳng giới mới đây, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, lao động nữ đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tuy vậy, họ đang gặp nhiều khó khăn và rào cản trong công việc, là đối tượng dễ bị tổn thương khi chính sách an sinh thay đổi. Lao động nữ đang chịu sự bất bình đẳng về điều kiện việc làm, trả lương và trong thăng tiến nghề nghiệp. Do vậy, để hỗ trợ lao động nữ, cần phải hoàn thiện chính sách liên quan đến đối tượng này.

Tăng cường giải pháp bảo vệ quyền lợi lao động nữ

Thời gian qua, các cấp Công đoàn đã phát huy tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Trong đó, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh là hình mẫu trong việc bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý động viên nữ công nhân lao động hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán 2024.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý động viên nữ công nhân lao động hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán 2024.

Trong nhiệm kỳ 2018-2023, đã có hơn 94 ngàn lao động được hỗ trợ tư vấn pháp luật lao động và đòi lại quyền lợi. Trong đó, có nhiều lao động nữ tư vấn về tình trạng DN nợ lương, bảo biểm xã hội, bị DN cho nghỉ việc sau sinh hoặc sa thải trái quy định. Qua đó, đảm bảo các chế độ, chính sách của NLĐ kịp thời, ổn định quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh.

Theo LĐLĐ tỉnh, hoạt động bảo vệ quyền lợi của NLĐ, trong đó có lao động nữ, được thực hiện thường xuyên. Hầu hết DN đều thực hiện các chính sách đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ. Tuy nhiên, một số DN thực hiện chưa nghiêm túc. Đồng Nai là tỉnh công nghiệp tập trung đông công nhân lao động, việc ổn định quan hệ lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ là nhiệm vụ then chốt. Thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh, LĐLĐ tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại các DN.

Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh sẽ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho NLĐ, trong đó có nữ công nhân lao động tại các DN, khu nhà trọ, giúp cho NLĐ nâng cao kiến thức, biết cách tự bảo vệ quyền lợi của mình khi phát sinh tranh chấp với DN.

Cùng với các cấp Công đoàn, thời gian qua, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, trong đó có nữ công nhân lao động. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái cho biết, hội cử báo cáo viên tham gia tập huấn các nội dung liên quan đến vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội; những quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cho nữ công nhân lao động…

Tổ tư vấn pháp luật của Hội LHPN tỉnh hàng năm đều tiếp nhận, tư vấn pháp luật cho hội viên phụ nữ, trong đó có nữ công nhân lao động. Qua đó, Hội LHPN tỉnh đã can thiệp nhiều vụ việc, trong đó có vụ việc liên quan đến nữ công nhân lao động.

Để có thêm cơ hội tham gia bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, từ năm 2019 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh. “Sau khi ký kết, tòa án nhân dân các cấp luôn bố trí để phụ nữ tham gia hội thẩm nhân dân đối với các vụ án liên quan đến xâm hại phụ nữ, trẻ em. Những vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái khi được phát hiện đều được khởi tố điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, công bằng, nghiêm minh, góp phần xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em” - bà Thái chia sẻ.

Ngoài hoạt động của Hội LHPN tỉnh, thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, tổ phụ nữ trợ giúp pháp lý, Hội LHPN cơ sở cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tư vấn, hòa giải nhiều vụ việc, kịp thời bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, nhất là nữ công nhân lao động.

Nguyễn Hòa - Nga Sơn

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích