Đầu năm, nhiều doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng lao động nên người lao động (NLĐ) thường tìm cơ hội việc làm mới để tăng thu nhập. Năm nay, theo các DN, tỷ lệ lao động nghỉ việc, “nhảy việc” rất hạn chế, đa số NLĐ lựa chọn công việc ổn định và gắn bó với DN.
Công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Tân Phú) trong giờ làm việc. Ảnh: L.MAI |
Một trong những nguyên nhân khiến NLĐ gắn bó với DN là các chế độ, chính sách của DN được đảm bảo. Bên cạnh đó, NLĐ muốn có việc làm ổn định hơn là thu nhập cao nhưng công việc thời vụ, bấp bênh.
Chọn gắn bó lâu dài với DN
Năm 2023, đơn hàng của DN giảm khiến thu nhập bị ảnh hưởng, song chị Lê Thị Huyền (quê tỉnh Nghệ An) vẫn quyết tâm trở lại Đồng Nai sau nghỉ Tết và gắn bó với công ty. Chị Huyền có kinh nghiệm làm việc hơn 9 năm trong lĩnh vực may mặc. Đầu năm, nhiều DN tuyển lao động ngành may và yêu cầu về tay nghề với mức lương hấp dẫn nhưng với chị lúc này có việc làm ổn định vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Chị Huyền bộc bạch: “DN càng khó khăn, mình càng phải chia sẻ, bởi để tìm được môi trường làm việc tốt và các chính sách đảm bảo không hề dễ dàng. Mặt khác, bản thân tôi đã lớn tuổi, để có công việc khác phù hợp với sức khỏe, tay nghề của mình và làm vào giờ hành chính rất khó. Do đó, dù thu nhập giảm nhưng các chế độ của DN đảm bảo vẫn là lựa chọn của tôi”.
Theo Bộ Lao động, thương binh và xã hội, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán 2024 tại các DN cao hơn nhiều so với các năm trước. Tình trạng NLĐ “nhảy việc” đã giảm đáng kể. Đây là tín hiệu tích cực và cho thấy thị trường lao động đang có xu hướng ấm dần lên.
Chị Lê Thị Hương, làm việc trong một DN sản xuất gỗ tại Khu công nghiệp Tam Phước (thành phố Biên Hòa) cho hay, trước đây công việc ổn định, thu nhập bình quân mỗi tháng của chị hơn 9 triệu đồng. Từ tháng 5-2023, tình hình sản xuất của công ty khó khăn, chị không nằm trong diện bị cắt giảm nhưng thu nhập lại giảm mạnh. Dù vậy, chị vẫn bám trụ tại DN với hy vọng việc sản xuất, kinh doanh sẽ khởi sắc hơn.
Theo các DN, những năm trước đây, DN luôn phải tính toán các phương án sản xuất do tình trạng NLĐ nghỉ việc sau Tết đông, không đảm bảo nguồn lực và tiến độ đơn hàng. Có những DN phải tuyển lao động từ 2-3 tháng để bổ sung cho nhóm lao động “nhảy việc”. Song năm nay, nhờ lương, thưởng cùng chế độ đãi ngộ tốt đã giúp DN giữ chân NLĐ lành nghề. Mặt khác, trải qua một năm khó khăn, nhiều lao động mất việc làm, thất nghiệp nên đa phần NLĐ đều trân trọng công việc hiện tại. Điều này giúp công ty ổn định nhân sự phục vụ các đơn hàng sản xuất trong năm.
Đại diện Công ty Cổ phần Công nghiệp chính xác Việt Nam (huyện Trảng Bom) cho hay, phần đông NLĐ tại DN là lao động kỹ thuật cao, phải mất từ 5 tháng đến 1 năm để đào tạo. Một tín hiệu phấn khởi là sau Tết, 100% NLĐ trở lại làm việc, không có tình trạng lao động nghỉ việc, nhảy việc. Để giữ chân lực lượng lao động có tay nghề, công ty không chỉ quan tâm đến việc làm mà đời sống của NLĐ cũng được chú trọng. Hiện NLĐ làm việc lâu năm tại DN đều có thu nhập ổn định. DN đang tuyển thêm 100 lao động để làm kịp tiến độ đơn hàng.
NLĐ mong ổn định việc làm
Bà Lê Thị Tâm, nhân viên tuyển dụng lao động của Công ty TNHH Tâm Thịnh Phát (đơn vị chuyên cung ứng lao động cho các DN, ở phường An Bình, thành phố Biên Hòa) cho biết, dù nhu cầu tuyển dụng lao động có tín hiệu khởi sắc nhưng việc tìm kiếm nguồn nhân lực thời điểm này không diễn ra ồ ạt như các năm trước. Mỗi ngày, công ty chỉ tuyển được khoảng 5 lao động. Đa số là lao động trẻ tuổi và từ các tỉnh miền Trung vào xin việc lần đầu, còn lao động có tay nghề, kinh nghiệm rất hạn chế.
Cũng theo chị Tâm, hiện NLĐ mong muốn tìm công việc ổn định, gắn bó lâu dài với DN chứ không ồ ạt tìm việc làm thời vụ như trước. Đặc biệt, tiền lương giữa các DN cùng ngành không còn chênh lệch quá lớn. Nhiều công ty đưa ra chính sách chăm lo, khuyến khích NLĐ làm việc lâu dài và có chế độ đãi ngộ tốt. Vì vậy, họ chọn gắn bó lâu dài thay vì tìm bến đỗ mới.
Về nhu cầu tuyển dụng lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai cho hay, tính đến hết tháng 2 vừa qua, đã có gần 190 DN đăng ký tuyển dụng lao động tại trung tâm với nhu cầu trên 16 ngàn người. Dự kiến trong quý I-2024, nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn tỉnh là hơn 20 ngàn lao động. Dù các DN đã đăng thông tin tuyển dụng bằng nhiều hình thức song nguồn lao động không đáp ứng đủ. Đây là khó khăn rất lớn với DN trong việc thiếu nhân lực hiện nay.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai Trần Thị Thùy Trâm cho hay, so với cùng kỳ năm 2023, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN tại thời điểm này tăng gấp đôi. Nhiều DN trong nhóm ngành may mặc, giày da, dệt nhuộm đã phục hồi và có nhu cầu tuyển lao động phổ thông với số lượng lớn. Trung tâm sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm vào ngày 11-3 tới để kết nối giữa DN và NLĐ, nhất là lao động đang thất nghiệp.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, đến nay tình hình NLĐ quay trở lại làm việc sau Tết khá đông đủ. Nhờ đó, các DN đảm bảo tiến độ sản xuất ngay từ đầu năm. Một tín hiệu đáng mừng là hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đang có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, một số DN tiếp nhận các đơn hàng sản xuất đến quý II-2024 nên tạo việc làm ổn định cho NLĐ. Thu nhập, việc làm ổn định là động lực để NLĐ gắn bó, cống hiến nhiều hơn vì sự phát triển của DN.
Lan Mai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin