Theo Điều 58 Luật Khoa học và công nghệ (KH-CN) 2013, doanh nghiệp (DN) KH-CN là DN thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ KH-CN để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Sản phẩm kinh doanh của DN KH-CN là những sản phầm hữu hình hoặc vô hình và được hưởng nhiều chế độ ưu đãi hấp dẫn.
Theo Điều 58 Luật Khoa học và công nghệ (KH-CN) 2013, doanh nghiệp (DN) KH-CN là DN thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ KH-CN để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Sản phẩm kinh doanh của DN KH-CN là những sản phầm hữu hình hoặc vô hình và được hưởng nhiều chế độ ưu đãi hấp dẫn.
Cụ thể như được miễn, giảm thuế thu nhập DN; ưu đãi tín dụng; miễn giảm tiền thuê đất, mặt nước; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH-CN… Ưu đãi nhiều, chính sách thông thoáng, song con số DN được cấp giấy chứng nhận là DN KH-CN ở nước ta ở mức vô cùng khiêm tốn. Tính đến ngày 31-12-2022, cả nước có 712 DN KH-CN đăng ký hoạt động, chỉ đạt được hơn 10% mục tiêu mà Chiến lược KH-CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đề ra. Theo đó, mục tiêu mà Việt Nam phấn đấu đạt được cho giai đoạn này là có 5 ngàn DN KH-CN.
Như tình trạng chung, hiện số DN KH-CN của Đồng Nai chỉ có vỏn vẹn 6 DN KH-CN. Trong khi đó, Đồng Nai là địa bàn nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sự phát triển mạnh mẽ về KH-CN. Chuyển đổi số và bước chuyển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 đã và đang đặt ra những yêu cầu bức thiết về việc thành lập và đưa vào hoạt động các DN KH-CN, nhất là những DN ứng dụng thành quả từ KH-CN. Tuy nhiên, số lượng quá ít ỏi các DN KH-CN đang thực sự là một thử thách trong việc thúc đẩy mạnh mẽ thành tựu KH-CN vào sản xuất, kinh doanh.
Vì sao mà số DN KH-CN lại ít ỏi như vậy? Theo lý giải, nguyên nhân lớn nhất là DN ngại thành lập DN KH-CN do những yêu cầu khắt khe như phải chứng minh được việc đang sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp các kết quả nghiên cứu KH-CN; DN phải khai báo chi tiết công nghệ, mô tả sáng kiến của mình nên việc mất thông tin hay bí quyết công nghệ là rủi ro thường gặp, đồng thời thủ tục đăng ký gặp rất nhiều khó khăn… Cái chính vẫn là DN chưa thấy được nhiều lợi ích cũng như hiệu quả khi bước chân vào kinh doanh ở lĩnh vực này.
Nghị định số 13/2019 ngày 1-2-2019 của Chính phủ về DN KH-CN đã giao nhiệm vụ hỗ trợ DN KH-CN cho Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách phát triển DN KH-CN; chương trình, đề án hỗ trợ phát triển DN KH-CN; tổ chức vinh danh, khen thưởng DN KH-CN theo quy định. Từ những vướng mắc phát sinh trong thực tế của DN KH-CN, ngành KH-CN, nhất là ở địa phương cần kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN KH-CN hoạt động, thúc đẩy các DN khác cùng tham gia vào lĩnh vực còn nhiều tiềm năng nhưng ít DN hưởng ứng này.
Minh Ngọc