Hầu hết, NLĐ đều biết tác hại của việc rút BHXH 1 lần nhưng để giải quyết thiếu thốn trước mắt, trong khi việc vay tổ chức tín dụng cần nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục; mượn bạn bè, người thân ngày càng khó khăn thì đây là lựa chọn được cho là hợp lý nhất.
“Không còn lựa chọn nào khác tốt hơn” - đó là câu trả lời của hầu hết người lao động (NLĐ) khi được hỏi vì sao lại rút bảo hiểm xã hội (BHXH) lần. Bởi gần 3 năm qua, NLĐ luôn sống và làm việc trong trạng thái bấp bênh, lúc có việc lúc không, thu nhập giảm sút. Trong khi đó, đủ khoản chi tiêu vẫn phải cần đến tiền và ở thời điểm khó khăn, họ đành lựa chọn rút BHXH 1 lần để có tiền trang trải cuộc sống.
Hầu hết, NLĐ đều biết tác hại của việc rút BHXH 1 lần nhưng để giải quyết thiếu thốn trước mắt, trong khi việc vay tổ chức tín dụng cần nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục; mượn bạn bè, người thân ngày càng khó khăn thì đây là lựa chọn được cho là hợp lý nhất. Vì thế, tình trạng rút BHXH 1 lần diễn ra nhiều năm qua không riêng ở Đồng Nai mà trên phạm vi cả nước, nhất là ở những tỉnh, thành phố tập trung nhiều công nhân lao động. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đơn hàng giảm, việc làm không ổn định, làn sóng rút BHXH 1 lần lại có xu hướng gia tăng mạnh. Một lần nữa, tìm giải pháp căn cơ để giải quyết thực trạng này lại đặt ra một cách bức thiết.
Thực tế cho thấy, thu nhập của phần lớn công nhân lao động vẫn còn khá thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống trong khi giá cả các mặt hàng ngày càng leo thang. Với những lao động tại chỗ, mức thu nhập 7-9 triệu đồng/tháng có thể đủ để trang trải nhưng với những lao động xa quê, phải thuê nhà trọ thì phải khá chắt bóp, tằn tiện. Đó là chưa kể khi lập gia đình, nuôi con nhỏ ăn học, thu nhập của 2 vợ chồng công nhân luôn trong tình trạng phải tính toán, tiết kiệm lắm mới đủ để trang trải. Vì vậy, tiền tích lũy hầu như rất ít. Khi xảy ra ốm đau bệnh tật hay mất việc làm của vợ hay chồng, NLĐ lâm vào tình cảnh thiếu thốn, khó xoay xở. Không ít người đã rơi vào cái bẫy của “tín dụng đen” không thoát ra được và luôn sống trong trạng thái mệt mỏi, lo sợ.
Cải thiện chế độ tiền lương cùng thu nhập cho NLĐ được xem là giải pháp bền vững nhất để NLĐ không rút BHXH 1 lần, ảnh hưởng đến chế độ an sinh khi nghỉ hưu, về già. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần thời gian để những đơn vị có chức năng bàn thảo, ra quyết định một cách phù hợp với thực tế phát triển của đất nước và “sức khỏe” của doanh nghiệp. Trong khi chờ đợi, biện pháp tốt nhất lúc này là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để NLĐ hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp, từ đó yên tâm làm việc, cố gắng vượt qua giai đoạn khăn, hạn chế rút BHXH 1 lần. Tổ chức Công đoàn và các đơn vị liên quan cũng cần sâu sát NLĐ để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải đáp những khúc mắc, đồng thời chăm lo tốt hơn đời sống vật chất cũng như tinh thần cho họ.
Dự báo, tình hình lao động việc làm từ nay đến Tết Nguyên đán chưa mấy khả quan. Do đó, hơn lúc nào hết, NLĐ rất cần được động viên, chia sẻ kịp thời để không cảm thấy bị bỏ rơi, đơn độc và vì quá khó khăn mà đành phải rút BHXH 1 lần.
Minh Ngọc