Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần hỗ trợ đồng bộ, căn cơ

03:12, 26/12/2022

Trước những khó khăn về thị trường tiêu thụ hiện nay, ngành chăn nuôi đang rất cần sự hỗ trợ đồng bộ về nhiều mặt để ổn định sản xuất và phát triển.

Trước những khó khăn về thị trường tiêu thụ hiện nay, ngành chăn nuôi đang rất cần sự hỗ trợ đồng bộ về nhiều mặt để ổn định sản xuất và phát triển.

Đại diện cho thủ phủ chăn nuôi của cả nước, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nêu lên 3 vấn đề cần được giải quyết gồm: thứ nhất, khâu dự báo thị trường còn yếu khiến người chăn nuôi hầu như không nắm được biến động thị trường, hầu hết sản xuất theo hướng “may nhờ rủi chịu”, thị trường lên giá thì ít khi được hưởng lợi, nhưng khi thị trường đi xuống thì người chăn nuôi gánh chịu là chính.

Thứ hai là lãi suất ngân hàng hiện đang biến động, mức lãi suất được vay rất cao so với lãi cho vay của các quốc gia lân cận. Vậy nên nhiều doanh nghiệp, nông dân đang rất mong Nhà nước có cơ chế đủ mạnh, có các chính sách hỗ trợ lãi suất một cách căn cơ. Trước mắt, cần có các chính sách điều hành đủ “mạnh” để các ngân hàng ổn định mức lãi suất cho vay và có các gói lãi suất ưu đãi hỗ trợ cho người chăn nuôi ổn định sản xuất trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Thứ ba là công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm còn bất cập. Việc truy xuất nguồn gốc là cơ sở quan trọng để đánh giá thực phẩm có an toàn hay không. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra hơn nữa và có những chế tài hiệu quả để đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, tiến dần đến một thị trường thực phẩm được kiểm soát ổn định, công bằng.

Giám đốc quản lý chất lượng của một công ty chuyên về sản phẩm chăn nuôi có quy mô khá lớn tại TP.HCM cũng chia sẻ, hiện nguồn hàng chuẩn bị Tết Nguyên đán rất đầy đủ và phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, trong thực hiện chuỗi liên kết còn lỏng lẻo, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, các bên tham gia thiếu vốn...

Nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan quản tiếp tục triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ để làm cầu nối, “đỡ đầu” cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, các thành tố tham gia chuỗi liên kết phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn để cùng nhau gia tăng lợi ích.

Nhìn về khó khăn của tỉnh Đồng Nai, tỉnh hiện có hơn 27 triệu con gia cầm nhưng điều bất hợp lý là tỉnh lại không có cơ sở giết mổ gia cầm tập trung có quy mô đủ lớn để phục vụ việc giết mổ gia cầm trên diện rộng. Do đó, sản phẩm của nông dân lại phải chở “ngược” về tỉnh Long An giết mổ và quay trở lại thị trường phục vụ người tiêu dùng Đồng Nai, điều này cũng làm “đậm đà” thêm nghịch lý người tiêu dùng phải sử dụng giá cao, người chăn nuôi lại bán giá thấp.

Cho nên, doanh nghiệp luôn mong tỉnh quan tâm quy hoạch, kêu gọi doanh nghiệp xây dựng khu giết mổ tập trung gia cầm quy mô lớn, thiết kế các chính sách thu hút đầu tư hiệu quả cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và có những hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước cho nông dân, doanh nghiệp.

Vi Lâm

Tin xem nhiều