Khi một dự án được đưa vào danh mục thu hồi đất để thực hiện thì thông thường quỹ thời gian cho các thủ tục còn lại (chủ yếu về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng) cũng không quá dài. Do đó, các địa phương, sở, ngành cần thẩm định kỹ điều kiện thực tế của các dự án, tiến độ thủ tục… để khi đưa vào danh mục thu hồi đất, dự án có thể triển khai.
Khi một dự án được đưa vào danh mục thu hồi đất để thực hiện thì thông thường quỹ thời gian cho các thủ tục còn lại (chủ yếu về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng) cũng không quá dài. Do đó, các địa phương, sở, ngành cần thẩm định kỹ điều kiện thực tế của các dự án, tiến độ thủ tục… để khi đưa vào danh mục thu hồi đất, dự án có thể triển khai.
Tuy nhiên, một thực trạng phổ biến thời gian qua là dự án đã đưa vào danh mục thu hồi đất để thực hiện nhưng lại gặp nhiều vướng mắc, lệch pha, dẫn đến dự án phải xin gia hạn, hoặc “treo”.
Do thiếu kiểm tra rà soát, các dự án thường gặp các vướng mắc: quy hoạch sử dụng đất chưa phù hợp, có quá nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực dự án, thiếu vốn triển khai, lấy vào đất rừng… Tất cả vướng mắc này đều phải mất nhiều thời gian đồng bộ, giải quyết. Đơn cử, để bổ sung, chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp, cần trung bình 3-5 năm. Điều chỉnh các quy hoạch khác như quy hoạch xây dựng cũng mất rất nhiều thời gian và thủ tục đi kèm. Trong đó, vướng mắc lớn nhất thường nằm ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Thống kê sơ bộ cho thấy, trong hơn 200 dự án được đưa vào danh mục thu hồi đất nhưng đã quá hạn 3 năm chưa hoàn thành thì chủ yếu vướng ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Có những dự án đang trong giai đoạn lập thủ tục về đất đai, thông báo thu hồi đất, áp giá bồi thường, đang thực hiện công tác bồi thường… Thời gian qua, những khó khăn chung do đại dịch Covid-19 đem lại cũng tạo áp lực lớn lên các dự án và góp phần không nhỏ khiến nhiều dự án chậm tiến độ.
Gần đây, quá trình thực hiện các dự án còn phát sinh thêm những vướng mắc mới, nhiều dự án gần như “đóng băng” do sự chồng chéo, lệch pha giữa các luật chi phối như Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đất đai năm 2013, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công.
Hiện tại, với những dự án đã quá hạn nhưng có tầm quan trọng về kinh tế - xã hội, có khả năng triển khai song gặp vài vướng mắc khách quan… vẫn được đề xuất gia hạn để tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, về lâu dài, vẫn cần đến những giải pháp căn cơ hơn. Trong đó, có những giải pháp quan trọng như sửa đổi và đồng bộ các luật chi phối đến quá trình triển khai dự án, xem xét thật kỹ năng lực nhà đầu tư và có những quy định “ràng buộc” ngay từ đầu. Ngoài ra, cần kiểm tra kỹ các điều kiện của từng dự án trước khi đăng ký đưa vào danh mục, kế hoạch thu hồi đất để tránh “va vấp” trong quá trình triển khai thực tế cũng là một trong những giải pháp cần thực hiện nhằm mục đích hạn chế dự án quá hạn, dự án treo. Bên cạnh đó, cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, sở, ngành, chủ đầu tư… trong giải quyết những khó khăn để khơi thông dự án.
Vi Lâm