Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay đổi để phát triển bền vững

06:10, 11/10/2022

Xây dựng kinh tế tuần hoàn được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, vì không chỉ là tái sử dụng chất thải, xem chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước; tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế.

Xây dựng kinh tế tuần hoàn được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, vì không chỉ là tái sử dụng chất thải, xem chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước; tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Lần đầu tiên cụm từ “kinh tế tuần hoàn” được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với mục tiêu phát triển bền vững, bằng việc tích cực thực hiện các hành động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên quy mô lớn, trong 10 năm tới.

Trong đó, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cũng là chủ trương, mục tiêu của Đảng và Nhà nước. Đó là phải xây dựng được một hệ sinh thái nông nghiệp mà ở đó đầu ra của lĩnh vực này là đầu vào của lĩnh vực kia, không bỏ phí bất cứ thứ gì.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, quá trình sản xuất nông nghiệp tạo ra một lượng phế, phụ phẩm lớn, nếu quản lý không chặt chẽ sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ. Nguồn tài nguyên này nếu được khai thác, sử dụng tốt không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên từ sản xuất nông nghiệp, tương lai nền nông nghiệp Việt Nam cần dựa vào tri thức và công nghệ để phát triển nông nghiệp tuần hoàn, việc này đã và đang trở thành xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nền nông nghiệp nếu chỉ đánh đổi để có lợi nhuận trước mắt sẽ để lại thế hệ mai sau tài nguyên không còn dinh dưỡng trong đất, trong nước... Do đó, đã đến lúc phải cùng nhau kiến tạo nền nông nghiệp mới, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, xu hướng xanh hóa. Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan: “Mọi sự thay đổi đều rất khó khăn. Chúng ta cân nhắc quá nhiều đến giá phải trả cho sự thay đổi mà chưa cân nhắn đến giá phải trả nếu chúng ta không chịu thay đổi. Cái giá đó chính là sự phát triển bền vững”.

Để phát huy giá trị của các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 109 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ và triển khai thực hiện Quyết định số 855 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cuối năm 2021, Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam được thành lập, là nơi tập hợp người nông dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, người tiêu dùng, các cơ quan truyền thông, cơ quan quản lý nhà nước ở trong một hệ sinh thái có chung mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn vừa nâng cao giá trị gia tăng trong nông nghiệp, vừa đảm bảo được sự phát triển bền vững. Hội sẽ là cánh tay nối dài, là tổ chức giúp Bộ NN-PTNT trong thời gian tới định vị được nền nông nghiệp tuần hoàn, cùng nhau khởi thảo chính sách để kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy nhiều hơn nữa doanh nghiệp nông nghiệp tuần hoàn, nhiều hơn nữa nông dân cùng liên kết làm nông nghiệp tuần hoàn, để cùng nhau kiến tạo hệ sinh thái nông nghiệp mới.  

 

Vi Lâm

Tin xem nhiều