Có một thực trạng tồn tại nhiều năm qua của ngành GD-ĐT cả nước đó là thiếu giáo viên so với nhu cầu thực tế tại nhiều nơi.
Có một thực trạng tồn tại nhiều năm qua của ngành GD-ĐT cả nước đó là thiếu giáo viên so với nhu cầu thực tế tại nhiều nơi. Tuy nhiên, ngành vẫn phải thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW về Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiện ngành đang thiếu hơn 94 ngàn giáo viên song trong lộ trình tinh giản phải bớt đi khoảng 45 ngàn người hưởng lương từ ngân sách.
Trong khi đó, chế độ tiền lương chưa hấp dẫn khiến nhiều địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên phục vụ cho công tác dạy và học.
Giáo viên mầm non hiện đang thiếu nhiều nhất với khoảng 49 ngàn người, tiếp đến là giáo viên bậc tiểu học thiếu trên 20 ngàn người, bậc THCS thiếu hơn 14,6 ngàn người và THPT thiếu khoảng 11,2 ngàn người. Tuy nhiên, đã và đang xảy ra tình trạng nơi thiếu vẫn thiếu và nơi thừa vẫn thừa, thậm chí có nơi vừa thiếu, vừa thừa giáo viên. Điều này cho thấy công tác điều động, bố trí giáo viên của các địa phương vẫn chưa sát với nhu cầu thực tiễn. Xa hơn là việc lựa chọn ngành học của sinh viên sư phạm chưa chú trọng đến nhu cầu xã hội dẫn đến có sự lệch pha giữa đào tạo và sử dụng.
Để giải bài toán thiếu giáo viên, cần một chính sách tổng thể, dài hơn, trong đó quan trọng nhất vẫn là xây dựng được chế độ lương, đãi ngộ tương xứng, để giáo viên thực sự sống được với nghề. Đây là vấn đề mấu chốt, đã được bàn bạc, thảo luận và… hứa rất nhiều lần, trải qua nhiều năm song đến nay vẫn chưa có một chính sách cụ thể được triển khai. Giáo viên hiện vẫn sống bằng đồng lương “3 cọc, 3 đồng”, trong khi khối lượng, áp lực công việc ngày càng lớn. Ở nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai, không ít cơ sở giáo dục dù năm nào cũng tuyển dụng nhưng vẫn không tuyển đủ số lượng giáo viên cần. Trong khi đó, làn sóng giáo viên, nhân viên trường học nghỉ việc ngày một nhiều chỉ vì đồng lương quá thấp, môi trường làm việc quá áp lực.
Không chỉ giáo viên, tại Đồng Nai, một số cơ sở giáo dục hiện còn thiếu cả đội ngũ cán bộ quản lý khiến hoạt động của nhà trường gặp nhiều khó khăn. Có trường biên chế cho ban giám hiệu 3 người nhưng mới chỉ bố trí được chức danh hiệu trưởng còn khuyết hiệu phó nhiều năm. Có trường, cán bộ phòng giáo dục phải tạm thời về trường làm công tác của ban giám hiệu, chờ quy trình bổ nhiệm cán bộ. Nhiều trường vì không tuyển được nhân viên thư viện, văn phòng nên giáo viên bộ môn phải kiêm nhiệm thêm. Công việc nhiều nhưng không có chế độ bồi dưỡng khiến giáo viên được phân công thêm nhiệm vụ nản lòng, không muốn làm hoặc làm cho có. Điều này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục ở các trường phổ thông hiện nay.
Một tín hiệu vui đối với ngành Giáo dục là mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định về việc giao bổ sung gần 66 ngàn biên chế giáo viên giai đoạn 2022-2026. Riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung gần 28 ngàn biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Tuy nhiên, thực tế triển khai đang gặp những bất cập cần tháo gỡ, trong đó quan trọng nhất vẫn chính là từ chế độ, chính sách về tiền lương, đãi ngộ đi kèm, dù đây đã là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”…
Minh Ngọc