Những năm qua, với hàng loạt dự án phục vụ cho nhu cầu phát triển được triển khai trên địa bàn, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng tự hào.
Những năm qua, với hàng loạt dự án phục vụ cho nhu cầu phát triển được triển khai trên địa bàn, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Đời sống người dân vì vậy cũng ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Có thể nói, các dự án đã được triển khai thực hiện, trong đó có các dự án cần thực hiện thu hồi đất, đã đóng góp không nhỏ, tạo động lực, đáp ứng nhu cầu, khai thác được tiềm năng của địa phương nằm ở trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là các dự án về hạ tầng giao thông, các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cho nhu cầu đời sống người dân.
Có được kết quả đó, không thể không ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc đề xuất, thẩm định đưa các dự án có tính khả thi cao vào danh mục cần thu hồi đất để triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đề xuất, thẩm định các dự án để đưa vào danh mục dự án cần thu hồi đất vẫn còn tồn tại không ít hạn chế. Con số gần 50% các dự án đã được đưa vào danh mục dự án cần thu hồi đất rồi phải hủy bỏ do chậm hoặc không thể triển khai trong hơn 5 năm qua (từ năm 2015-2021) là con số đáng lo ngại và có rất nhiều điều để nói, nhất là từ góc độ của các cơ quan đề xuất, thẩm định dự án.
Các dự án khi được đề xuất, thẩm định và trình HĐND tỉnh thông qua để đưa vào danh mục dự án cần thu hồi đất đều có mục tiêu chung là phục vụ cho nhu cầu phát triển của địa phương và nâng cao đời sống người dân. Do đó, việc có quá nhiều dự án được đưa vào danh mục cần thu hồi đất để rồi phải hủy bỏ do chậm hoặc không thể triển khai thực hiện ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển và đặc biệt là quyền lợi của người dân trong vùng dự án.
Chính vì vậy, để chấn chỉnh và tiến tới chấm dứt tình trạng ồ ạt đề xuất dự án đưa vào danh mục cần thu hồi đất rồi phải hủy bỏ do tính khả thi không cao là việc làm cần được thực hiện gấp rút. Trong đó, mấu chốt của vấn đề là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, các cơ quan đề xuất dự án, cũng như cơ quan thẩm định trình dự án để đưa vào danh mục dự án cần thu hồi đất. Việc quy định được rõ ràng trách nhiệm khi đề xuất các dự án thiếu tính khả thi, chưa đủ điều kiện là “bước đi” đầu tiên và quan trọng để nâng cao chất lượng đề xuất, thẩm định các dự án vào danh mục dự án cần thu hồi đất. Từ đó, đảm bảo tính khả thi của các dự án khi triển khai thực hiện.
Đồng thời, việc quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đề xuất, thẩm định cũng sẽ hạn chế được tình trạng dù thấy rõ dự án thiếu các điều kiện cần thiết, thiếu tính khả thi nhưng vẫn “nể nang” để đưa vào danh mục dự án cần thu hồi đất.
V.L