Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyết tâm vượt qua thách thức

08:02, 22/02/2022

Sau hơn 2 tuần mở cửa đón học sinh trở lại học trực tiếp, nhiều trường học trong cả nước buộc phải đóng cửa do có số ca F0 phát sinh nhiều khiến công tác phòng, chống dịch gặp lúng túng.

[links()]Sau hơn 2 tuần mở cửa đón học sinh trở lại học trực tiếp, nhiều trường học trong cả nước buộc phải đóng cửa do có số ca F0 phát sinh nhiều khiến công tác phòng, chống dịch gặp lúng túng. Nhiều trường cùng lúc vừa thực hiện dạy và học trực tiếp, vừa bằng hình thức online để hạn chế đến mức thấp nhất chuyện gián đoạn việc học tập của học sinh. Công tác phòng, chống dịch và duy trì việc dạy - học đặt ra cho các địa phương khá nhiều khó khăn, áp lực.

Giáo viên Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh lớp 1 học tập môn Mỹ thuật trên máy tính. Ảnh: Công Nghĩa
Giáo viên Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh lớp 1 học tập môn Mỹ thuật trên máy tính. Ảnh: Công Nghĩa

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ về mở cửa trường học mới đây, chủ trương mở cửa trường học đưa học sinh tới trường học trực tiếp nhìn chung được xã hội, nhà giáo, phụ huynh, các chuyên gia... ủng hộ, đồng tình, được đánh giá là đúng lúc và kịp thời. Lãnh đạo các địa phương thống nhất chủ trương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa học sinh quay trở lại trường học tập trực tiếp đã phát sinh một số vướng mắc, khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là số ca F0 gia tăng trong khi quy trình xử lý tại các cơ sở giáo dục khi phát hiện các trường hợp học sinh F0, F1 chưa thống nhất, còn lúng túng. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Khi tổ chức đưa học sinh đi học trực tiếp trở lại, có địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm Covid-19, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả gây phản ứng không cần thiết. Bên cạnh đó, nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch…

Cũng tại cuộc họp này, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải chấp nhận thực tế trẻ đi học đồng loạt thì ca nhiễm tăng, quan trọng là kiểm soát được tốc độ lây lan, có phương án xử lý ca nhiễm F0, trường hợp F1 hợp lý, đặc biệt là hướng dẫn điều trị liên tục cập nhật. Về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, Chính phủ đã đồng ý mua 21,9 triệu liều vaccine của Pfizer/BioTech. Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vaccine bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả. Hiện các địa phương đã và đang tiến hành rà soát, lên danh sách và sẵn sàng tiêm ngay cho trẻ khi vaccine được phân bổ về.

Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, Đồng Nai là một trong những địa phương ghi nhận tình hình dịch bệnh khá căng thẳng. Hoạt động của ngành Giáo dục chính vì thế mà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, do có sự chủ động, linh hoạt, ngành đã từng bước thích ứng, đưa việc dạy và học online đi vào nền nếp, thực hiện hiệu quả chủ trương “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học”. Khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, ngành triển khai thí điểm cho một số địa phương tổ chức đón học sinh ở vài khối lớp tới trường học trực tiếp. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nên khi đồng loạt mở cửa lại trường học với tất cả trẻ em, học sinh các cấp học, Đồng Nai có gặp những khó khăn nhưng nhanh chóng vượt qua và sớm ổn định được tình hình. Đến nay, theo đánh giá của Sở GD-ĐT, việc dạy và học trực tiếp đã từng bước đi vào nền nếp. Trong khi đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được phối hợp thực hiện khá chặt chẽ giữa ngành Giáo dục, Y tế, các địa phương, cơ sở giáo dục, phụ huynh và học sinh nên chưa phát sinh những ổ dịch lớn khiến phải đóng cửa trường học.

Ngành GD-ĐT tỉnh đang đặt ra quyết tâm rất lớn trong việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022, dù phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức…

Minh Ngọc

Tin xem nhiều