Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng nguy cơ lạm phát

08:02, 21/02/2022

Ngay những ngày sau Tết Nguyên đán 2022, thị trường các mặt hàng thiết yếu đã bước vào một đợt thay đổi liên tục khi giá xăng, dầu, gas liên tục "leo thang" theo diễn biến giá dầu thế giới. Sáng 21-2, cùng với những căng thẳng về chính trị giữa Nga và Ukraine, giá dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh lên mức 93-95 USD/thùng và giá xăng, dầu trong nước có đợt tăng mới, lên thêm 940-960 đồng/lít kể từ chiều 21-2.

 

Ngay những ngày sau Tết Nguyên đán 2022, thị trường các mặt hàng thiết yếu đã bước vào một đợt thay đổi liên tục khi giá xăng, dầu, gas liên tục “leo thang” theo diễn biến giá dầu thế giới. Sáng 21-2, cùng với những căng thẳng về chính trị giữa Nga và Ukraine, giá dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh lên mức 93-95 USD/thùng và giá xăng, dầu trong nước có đợt tăng mới, lên thêm 940-960 đồng/lít kể từ chiều 21-2.

Xăng, dầu, gas, thép, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, các loại vật liệu xây dựng, hóa chất cơ bản… thực tế đã tăng giá từ trong năm 2021 do áp lực đứt gãy các chuỗi cung ứng quốc tế, chi phí logistics tăng mạnh do dịch bệnh Covid-19. Vậy nên sang đầu năm 2022, cùng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong nước gia tăng, mặt bằng giá cả nhiều loại hàng hóa cũng biến động theo. Ngoài ra, gói hỗ trợ kinh tế quy mô lớn nhất từ trước đến nay vừa được Chính phủ triển khai cũng sẽ gây một áp lực không nhỏ lên việc điều hành kiềm chế lạm phát, bởi về bản chất “hỗ trợ kinh tế” cũng là một cách “bơm”thêm nguồn tiền vào xã hội dưới hình thức trợ lực cho tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh.

Có thể nói, Việt Nam đang đứng trước thách thức phải giữ mặt bằng giá ở mức chấp nhận được, điều hành tốt cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, nếu không thì không những không hỗ trợ được nền kinh tế phục hồi sau những tháng căng thẳng vì dịch bệnh, mà còn có khả năng gây thêm những khó khăn mới cho sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là biến chủng mới của Covid-19, chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục vững chắc.

Bình luận về áp lực lạm phát năm 2022 trên các phương tiện truyền thông, các chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Cùng với đó là chi phí xăng, dầu khi giá xăng, dầu thế giới đang trên đà tăng và rất khó để dự đoán đà tăng này có điểm dừng hay chưa.

Về các giải pháp kiềm chế lạm phát đi kèm với các kế hoạch phục hồi kinh tế, có lẽ hơn lúc nào hết nền kinh tế cần đến “bàn tay vĩ mô” từ phía Chính phủ và các bộ, ngành quản lý. Trước hết và “nóng” nhất chính là việc rà soát nguồn cung xăng, dầu trong nước, năng lực sản xuất, năng lực nhập khẩu loại hàng hóa trọng yếu này, xả quỹ bình ổn hợp lý và có kịch bản ứng phó khi giá dầu thế giới tiếp tục leo thang nhằm giảm bớt áp lực lên hàng hóa, dịch vụ khác.

Bên cạnh đó, chủ động thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát, điều chỉnh giá hợp lý cho các mặt hàng do Nhà nước quản lý như: giá điện, nước, y tế, giáo dục. Ngoài ra, cần có chính sách nhanh nhất để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô, hỗ trợ các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất…, tất cả nhằm để kiểm soát lạm phát trong năm 2022, không để “khó chồng khó” cho doanh nghiệp, cho người dân và cho cả nền kinh tế.

Vi Lâm

Tin xem nhiều