Hơn 1 năm qua, câu chuyện điện mặt trời (ĐMT) mái nhà được nhiều chuyên gia về năng lượng, nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm bởi có khá nhiều vấn đề.
Hơn 1 năm qua, câu chuyện điện mặt trời (ĐMT) mái nhà được nhiều chuyên gia về năng lượng, nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm bởi có khá nhiều vấn đề.
Tháng 11-2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 11 công bố chính sách ưu đãi mức giá mua điện cao chưa từng có trong việc hút vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với mức 9,35 cent/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh (áp dụng trong 20 năm cho các dự án ĐMT được đưa vào vận hành trước thời điểm ngày 31-6-2019). Điều này đã tạo ra làn sóng đầu tư ồ ạt vào các dự án ĐMT trên cả nước. Đi cùng với đó là tình trạng trục lợi chính sách trong triển khai đầu tư ĐMT mái nhà khiến Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là trục lợi chính sách ĐMT.
Việc ồ ạt phát triển ĐMT, trong đó có phát triển các dự án ĐMT công suất lớn ở những nơi có nhu cầu thấp, hệ thống truyền tải điện không đảm bảo khiến ngành điện phải cắt giảm công suất. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn điện mà còn khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh lao đao, bức xúc.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc cắt giảm công suất bán ĐMT trong khi nền kinh tế đã bước vào giai đoạn phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, khi ngành điện vẫn đưa ra nguy cơ thiếu điện và xin nhập khẩu than để sản xuất nhiệt điện liệu có phù hợp? Các nhà quản lý đưa ra chính sách khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo sau đó ngành điện lại cắt giảm vì hạ tầng truyền tải điện chưa đảm bảo, chưa có giải pháp lưu trữ nguồn điện để phát vào ban đêm. Ngành điện có thể điều chỉnh giờ phát cao điểm ở các thủy điện nhỏ, hệ thống nhiệt điện, tua bin khí để tận dụng tối đa ĐMT. Có thể để nhà đầu tư dự án ĐMT đầu tư trạm biến áp và truyền tải điện để giải tỏa công suất.
Theo lý giải của Điện lực miền Nam, thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, vào giờ cao điểm ĐMT phát lưới thì nhu cầu tiêu thụ điện giảm đột biến, dẫn đến thừa điện. Để đảm bảo an toàn lưới điện, hạn chế sự cố do công suất phát điện lên hệ thống vượt quá công suất phụ tải, ngành điện buộc phải giảm công suất ĐMT mái nhà. Cũng theo đơn vị này, việc điều tiết giảm công suất phát ĐMT được thực hiện theo các quy định tại Luật Điện lực và các thông tư, quy định của Bộ Công thương. Đơn vị đã tính toán và phân bổ công suất không huy động ở cả 21 điện lực trực thuộc phía Nam.
Ngoài lý do trên, việc các dự án điện năng lượng tái tạo phái triển quá nhanh trong thời gian ngắn, phân bố không đồng đều dẫn đến hạ tầng truyền tải không gánh được hết công suất. Khi sản xuất ổn định trở lại, tình trạng cắt giảm công suất huy động sẽ giảm.
Hiện nay, Bộ Công thương vẫn đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về phát triển các dự án điện gió, ĐMT. Các nhà đầu tư cho rằng, giá mua bán điện là một phần, việc ổn định chính sách và phát triển hạ tầng lưới truyền tải điện để thu hút các nguồn lực đầu tư dự án năng lượng tái tạo, giảm dần phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thủy điện mới thực sự quan trọng. Chính sách năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng xây dựng theo hướng mở, chủ đầu tư dự án năng lượng có thể tự đầu tư trạm biến áp, hệ thống truyền tải và bán điện lại cho người có nhu cầu theo giá thỏa thuận.
Vi Lâm