Chất lượng thực phẩm là một trong những vấn đề được người dân quan tâm hàng đầu hiện nay. Bởi để sống và bảo đảm sức khỏe, con người cần sử dụng thực phẩm chất lượng, sạch.
Chất lượng thực phẩm là một trong những vấn đề được người dân quan tâm hàng đầu hiện nay. Bởi để sống và bảo đảm sức khỏe, con người cần sử dụng thực phẩm chất lượng, sạch. Và khi những nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người do thực phẩm bẩn gây ra ngày càng tăng, chất lượng thực phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản, lại càng được người dân đặc biệt quan tâm. Nhiều năm qua, xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch đã phát triển mạnh tại Việt Nam. Các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn được gắn các chứng nhận như: VietGAP; GlobalGAP, nông sản organic xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.
Tuy nhiên, một điểm chung của nhiều sản phẩm cho đến nay là vẫn chưa thực sự tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng. Điều này xuất phát từ thực tế có không ít các sản phẩm được gắn mác các chứng nhận trên, nhưng chỉ mang tính chất đối phó để bán sản phẩm với giá cao hơn.
Khi bỏ ra một số tiền lớn hơn để mua một mặt hàng, người tiêu dùng đương nhiên có những đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng cũng như thông tin sản phẩm. Đáng tiếc, phần lớn các sản phẩm nông sản sạch hiện nay lại đang khá “tiết kiệm” về thông tin sản phẩm. Do đó, những sản phẩm nông nghiệp sạch chưa thực sự tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.
Để tạo được niềm tin với người tiêu dùng, minh bạch về nguồn gốc sản phẩm là một trong những yêu cầu tất yếu. Một sản phẩm nông nghiệp “mù mờ” về nguồn gốc thì chắc chắn không thể tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Đối với các sản phẩm nông nghiệp, việc truy xuất nguồn gốc (TXNG) được coi là một trong những giải pháp để bảo đảm tính minh bạch. TXNG không chỉ giúp người tiêu dùng mà cả các cơ quan chức năng có thể dễ dàng truy cập và theo dõi thông tin nông sản từ nơi nuôi trồng, khai thác cho tới khi vận chuyển, chế biến và đưa ra thị trường tiêu thụ. Không những vậy, việc TXNG sản phẩm hàng hóa còn là yêu cầu bắt buộc để các mặt hàng nông sản có thể hướng đến mục tiêu xuất khẩu, chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về TXNG hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.
Nhằm đáp ứng xu thế tất yếu của thị trường, đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG (Đề án 100) và giao cho Bộ KH-CN chủ trì triển khai, và một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, đưa vào vận hành Cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa quốc gia.
Tại Đồng Nai, một trong những “thủ phủ” sản xuất nông nghiệp của cả nước, thời gian qua cũng đang tập trung đẩy mạnh thực hiện TXNG sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, nhất là hỗ trợ nông dân thực hiện việc cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng sản phẩm nông nghiệp có thể truy xuất được nguồn gốc vẫn còn rất khiêm tốn. Vì vậy, việc hỗ trợ người nông dân thực hiện quy trình TXNG nông sản đã đến lúc không thể chần chừ thêm. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ nhiều phía, bao gồm: người nông dân, các cơ sở chế biến, các kênh phân phối cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Tất nhiên, đi kèm với đó cũng cần phải có các chính sách hỗ trợ đối với nông dân. Chỉ khi minh bạch được thông tin sản phẩm, nông sản Việt mới có thể nâng tầm giá trị.
Vi Lâm