Dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua không chỉ khiến kinh tế rơi vào khó khăn phải mất một khoảng thời gian dài mới có thể hồi phục mà còn để lại nhiều hệ lụy cho đời sống xã hội. Trong đó, trẻ em là đối tượng chịu nhiều tổn thương nặng nề.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua không chỉ khiến kinh tế rơi vào khó khăn phải mất một khoảng thời gian dài mới có thể hồi phục mà còn để lại nhiều hệ lụy cho đời sống xã hội. Trong đó, trẻ em là đối tượng chịu nhiều tổn thương nặng nề. Hàng ngàn em đã mất cha, mất mẹ, rơi vào cảnh mồ côi; không ít em mắc các bệnh về tâm lý, stress kéo dài do học trực tuyến tại nhà không được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô hay môi trường xung quanh ngoài 4 bức tường kín…
Theo các chuyên gia tâm lý, dù học trực tuyến là phương án tối ưu trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 song nếu quá kéo dài, trẻ dễ bị căng thẳng, mệt mỏi vì hằng ngày phải ngồi quá nhiều trên máy vi tính hay các thiết bị di động. Trẻ phần lớn giao tiếp với thầy cô, bạn bè trên môi trường mạng, ít được giao tiếp trực tiếp với những người xung quanh, trừ cha mẹ, anh chị em ruột thịt nên tinh thần không được thoải mái, dễ rơi vào trạng thái bí bách, khó chịu. Đặc biệt, khi kết thúc giai đoạn giãn cách xã hội, cha mẹ phải đi làm, trẻ lại càng có ít thời gian để gần gũi, tâm sự nên nảy sinh tâm lý tiêu cực, nghiện game hoặc gia tăng việc vào các trang mạng độc hại…
Bên cạnh đó, một thực trạng đã và đang khiến các bậc phụ huynh lo lắng chính là việc bảo đảm an toàn cho trẻ khi ở nhà một mình học trực tuyến, không có người lớn trông coi. Đặc biệt, với những gia đình công nhân sinh sống trong các khu nhà trọ, đây thực sự là một nỗi bất an lớn vì trường học chưa mở cửa trở lại, không người thân để gửi gắm con, đành khóa cửa cho con ở nhà để đi làm. Mới đây, vụ việc 2 cháu nhỏ trong lúc đang học trực tuyến ở một phòng trọ ở TP.Biên Hòa bị cướp iPad khiến nỗi lo này gia tăng. Đó là chưa kể những tai nạn thương tích như bỏng, điện giật, té ngã… có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt là với những trẻ nhỏ đang ở tuổi hiếu động. Hay nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục do thiếu vắng sự quan sát, theo dõi của người lớn…
Rất nhiều nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra với trẻ ở thời điểm này cần được gia đình và xã hội quan tâm để trẻ có thể phát triển một cách bình thường, lành mạnh. Theo BS Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM), cha mẹ cần bù đắp thời gian nhiều nhất cho con có thể tăng cường giao tiếp, trao đổi, tránh để trẻ “rơi” vào thế giới ảo quá lâu. Khi phát hiện ra những biểu hiện bất thường của trẻ trong sinh hoạt hằng ngày, cha mẹ nên gần gũi, tâm sự để hiểu con và đưa con đến ngay bệnh viện chuyên khoa khám nhằm kịp thời điều trị những bất ổn về tâm lý cho trẻ, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc do phát hiện tình trạng bệnh quá muộn.
Về lâu dài, các bác sĩ cũng cho rằng, trẻ đến trường là giải pháp tốt cho sức khỏe tâm lý của học sinh và đạt được cả hiệu quả trong học tập so với việc học trực tuyến. Tuy nhiên, trước đó, phụ huynh cần tăng cường giáo dục các kỹ năng sống cho con, đặc biệt là kỹ năng tự bảo vệ khi ở nhà một mình, cách liên lạc với người thân, các tổ chức xã hội có chức năng bảo vệ trẻ em khi cần thiết. Bởi thực tế đã cho thấy, nhiều trường hợp đau lòng xảy ra do trẻ không biết làm gì và làm như thế nào để bảo vệ mình trước những nguy cơ mất an toàn cho bản thân, trong chính gia đình mình, chứ chưa nói đến những yếu tố rủi ro ngoài xã hội.
Minh Ngọc