Sau giãn cách xã hội, số ca F0 trên địa bàn tỉnh tiếp tục gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính là việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của nhiều cá nhân, doanh nghiệp (DN) chưa được đảm bảo.
Sau giãn cách xã hội, số ca F0 trên địa bàn tỉnh tiếp tục gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính là việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của nhiều cá nhân, doanh nghiệp (DN) chưa được đảm bảo. Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 23-10 của UBND tỉnh về các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt Chỉ thị 20) đã quy định cụ thể các yêu cầu phòng dịch, các hoạt động được mở lại và những hoạt động vẫn phải ngừng để phòng, chống dịch.
Chỉ thị 20 được xem là “kim chỉ nam” hướng dẫn nhiều hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái “bình thường mới”, đảm bảo sống chung an toàn với dịch bệnh.
Thế nhưng, sau hơn 1 tháng triển khai Chỉ thị 20, theo đánh giá của các ngành chức năng, nhiều người dân có tâm lý chủ quan vì cho rằng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 nên không lo sợ dịch bệnh, không chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch, nhất là Chỉ thị 20 và quy định 5K. Trong khi đó, các ngành chức năng khuyến cáo, để đảm bảo sống chung an toàn với dịch bệnh, ngoài tiêm vaccine còn phải thực hiện nghiêm 5K. Nếu không chấp hành nghiêm quy định này, việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng rất lớn, khả năng tái bùng phát dịch rất cao.
Trước thực trạng đó, việc ngành chức năng, chính quyền các địa phương vào cuộc để tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị 20 là hết sức cần thiết. Đặc biệt là các hành vi gây nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng cao như: không đeo khẩu trang khi ra đường; tập trung đông người, không đảm bảo giãn cách; mở cửa các dịch vụ kinh doanh chưa được phép hoạt động; tự ý cho F0 về nhà sau khi test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 trong các DN… Đối với trường hợp vi phạm phòng dịch dẫn đến lây lan dịch bệnh cho người khác, ngoài xử lý hành chính, ngành chức năng cũng cần xem xét xử lý hình sự để đảm bảo tính răn đe.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng là một trong những giải pháp quan trọng trong hạn chế các ca F0 lây lan nhanh trong cộng đồng. Theo đó, công tác tuyên truyền phải đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ở những nhóm thường có vi phạm cao. Đặc biệt, cần chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu đúng tác dụng của vaccine ngừa Covid-19 mà có biện pháp phòng dịch kèm theo. Người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có thể nhiễm bệnh, nhưng thường nhẹ, không có triệu chứng và vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác, thậm chí có một số trường hợp tử vong (vì có bệnh nền).
Điều quan trọng, để tránh dịch bệnh có nguy cơ tái bùng phát thì ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh của người dân, cơ quan, đơn vị, DN là rất lớn. Nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong nêu gương, cũng như chú trọng việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 20 cùng các quy định phòng dịch khác trong cơ quan, đơn vị, DN.
Có thể nói rằng, việc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh sẽ giúp các hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại bình thường. DN không phải lo đóng cửa do xuất hiện hàng loạt ca F0 trong khi đang vào cao điểm sản xuất, kinh doanh cuối năm. Có như vậy mới đảm bảo việc làm, đời sống cho người lao động; từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặng Ngọc