Ngày 15-11, Đồng Nai đón nhận tin vui khi vươn lên trở thành địa phương tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 2 cho người 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ cao nhất cả nước với 88%. Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập được 192 trạm y tế lưu động tại 11 huyện, thành phố...
Đúng như dự báo, khi thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, từng bước đưa cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”, số ca F0 trong cộng đồng sẽ gia tăng. Tại Đồng Nai, có ngày đã ghi nhận trên 1 ngàn ca mắc mới, tương đương với thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do sự thông thương, đi lại thuận tiện, người lao động trở lại cơ quan, doanh nghiệp làm việc dễ xảy ra lây nhiễm, còn có nguyên nhân chủ quan đến từ chính ý thức của người dân. Nhiều người đã không tuân thủ những nguyên tắc trong phòng, chống dịch. Đáng lo là tâm lý chủ quan cho rằng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, có không may “dính” Covid-19 cũng bị nhẹ, không đáng ngại!
Theo các chuyên gia y tế, đúng là khi tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, cơ thể sẽ có sức đề kháng với virus SARS-CoV-2 tốt hơn so với người mới tiêm 1 mũi hoặc chưa tiêm mũi nào. Tuy nhiên, tiêm đủ 2 mũi vaccine rồi vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh, thậm chí là tử vong, nhất là đối với người lớn tuổi và có bệnh nền.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh mới đây, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ đã thông báo về trường hợp tử vong do Covid-19 trên địa bàn tỉnh, dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và không hề có bệnh nền. Điều này cho thấy biến thể của virus SARS-CoV-2 rất nguy hiểm, vaccine vẫn chưa phải là “áo giáp” an toàn nhất nếu còn tâm lý chủ quan, lơ là.
Trước tình trạng số ca F0 trong cộng đồng tăng nhanh trong những ngày qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã tiến hành rà soát và triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để “kích hoạt” lại một cách đồng bộ hệ thống phòng, chống dịch bệnh. Như tại TP.Biên Hòa, địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất tỉnh, đang tăng cường các nguồn lực cho 30 trạm y tế lưu động; kêu gọi các bác sĩ về hưu, sinh viên y khoa tham gia theo dõi, điều trị F0 tại nhà; đồng thời, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao công tác phòng, chống dịch. Một số địa phương khác thì chú trọng công tác điều trị F0 tại nhà, doanh nghiệp… để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lây lan dịch trong những tháng cao điểm cuối năm.
Vấn đề quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 lúc này vẫn là hạn chế đến mức thấp nhất các ca F0 chuyển nặng và tử vong. Muốn vậy, công tác phân tầng, quản lý, điều trị người bệnh phải có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, nhất là từ tuyến y tế cơ sở cùng ý thức chấp hành nghiêm của người dân trong phòng, chống dịch bệnh.Minh Ngọc