Những ngày qua, biến thể mới của virus corona có tên Omicron xuất hiện ở một số nước trên thế giới, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo là rất đáng quan ngại.
Những ngày qua, biến thể mới của virus corona có tên Omicron xuất hiện ở một số nước trên thế giới, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo là rất đáng quan ngại. Khả năng dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát mạnh rất cao, không loại trừ ở bất cứ khu vực, quốc gia nào, do đó hơn lúc nào hết cần tăng cường cảnh giác, củng cố mạng lưới y tế và xã hội, đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm chủng trong bối cảnh biến thể mới xuất hiện nhiều khả năng nguy hiểm hơn biến thể cũ.
Việt Nam là quốc gia được cộng đồng quốc tế đánh giá có nhiều nỗ lực trong công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là sự cố gắng tìm nguồn vaccine để tiêm chủng miễn phí cho người dân. Đến nay, Việt Nam là một trong những nước có độ bao phủ vaccine cao trên thế giới, hiện nhiều địa phương đã triển khai tiêm cho trẻ em và tiêm mũi thứ 3 cho một số đối tượng ưu tiên. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, kể từ khi Việt Nam chuyển sang trạng thái “bình thường mới” để thích ứng linh hoạt, an toàn với Covid-19, việc đếm số ca mắc mới không còn quá quan trọng. Thay vào đó, chúng ta khuyến khích người dân tự phát hiện nếu mắc bệnh thì báo cơ quan y tế để được quản lý, khi có triệu chứng thì vào viện. Đồng thời, tập trung đánh giá tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong để có giải pháp phù hợp và tập trung nguồn lực, tăng khả năng phòng vệ cho tuyến y tế cơ sở.
Thực tế ở một số tỉnh phía Nam cho thấy, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến khó lường với các ca mắc mới tăng cao mỗi ngày, số trường hợp tử vong vẫn ở mức cao. Không ít nơi, các cơ sở y tế trở nên quá tải vì lượng bệnh nhân F0 quá đông trong khi phần lớn các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, điều trị dành riêng cho Covid-19 đã giải thể hoặc chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực y tế hỗ trợ cũng đã rút về địa phương khiến cho công tác thu dung, điều trị bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Đã và đang xảy ra tình trạng các trường hợp F0 gọi điện báo cho y tế xã, phường nhưng không có nhân viên tiếp nhận thông tin, không được hỗ trợ điều trị và phải tự tìm cách xoay xở.
Tại Đồng Nai những ngày qua, nhiều trạm y tế địa phương cũng rơi vào tình trạng tương tự khi số ca F0 trên địa bàn tăng cao, khối lượng công việc nhiều nhưng nhân viên y tế không đủ để đáp ứng. Do đó, nhiều gia đình có các trường hợp F0 đã không nhận được hỗ trợ từ lực lượng y tế cũng như các gói thuốc điều trị. Đây là vấn đề rất cần được kịp thời tháo gỡ và có biện pháp chấn chỉnh bởi chỉ khi các F0 được quản lý tốt, việc phân tầng điều trị mới dễ dàng, thuận tiện hơn và nguy cơ lây nhiễm cũng giảm. Còn khi buông lỏng quản lý F0 cùng các đối tượng thuộc diện F1, F2, khả năng lây lan dịch rất cao, nhất là khi ý thức tự cách ly, phòng bệnh của không ít người dân còn hạn chế.
Đồng Nai hiện đã ban hành kế hoạch phân tầng, điều trị Covid-19 phù hợp với giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh. Trong 3 tầng điều trị, Đồng Nai đặc biệt chú ý đến tầng 1 với số lượng thu dung gần 84% bệnh nhân mắc Covid-19. Đây chủ yếu là những bệnh nhân nhẹ, có hoặc không có triệu chứng được cách ly, theo dõi, cấp túi thuốc để điều trị tại nhà và tuyến y tế cơ sở chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý. Vì vậy, hơn lúc nào hết, tuyến y tế này cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa cả về nhân lực, trang thiết bị lẫn chế độ, chính sách để làm tốt vai trò “gác cổng” trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với những biến thể mới nguy hiểm như hiện nay.
Minh Ngọc