Với mức tăng trưởng 5-7%/năm kể từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đang được liệt vào hàng ngũ những cường quốc xuất khẩu nông sản của thế giới.
Với mức tăng trưởng 5-7%/năm kể từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đang được liệt vào hàng ngũ những cường quốc xuất khẩu nông sản của thế giới. Nông sản Việt hiện đã được tiêu thụ ở 186 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, có 8 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, gồm: rau quả, hạt điều, gạo, cà phê, cao su, tôm, gỗ và cá tra. Riêng mặt hàng rau củ, trái cây của Việt Nam được xuất khẩu đến 55 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với việc Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương (FTA) thế hệ mới với rất nhiều điều khoản có lợi cho xuất khẩu, ngành Nông sản Việt hiện được cho là đang đứng trước rất nhiều cơ hội xuất khẩu lớn với thuế suất cực thấp hoặc miễn thuế hoàn toàn - điều mà vài chục năm trước đây không doanh nghiệp nào có thể nghĩ đến.
Nhận định được điều này, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và cả phía các doanh nghiệp đều đang ráo riết tìm cách nâng cao sức cạnh tranh, tạo các chính sách hỗ trợ sản xuất - xuất khẩu, tìm thêm nhiều thị trường mới… nhằm “mở tung” mọi cánh cửa bán hàng ra thế giới cho nông sản Việt.
Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại nhiều bất cập khiến nông sản Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức dù Việt Nam đã tham gia nhiều FTA. Thậm chí, nếu không xoay chuyển nhanh, nông sản Việt còn bị “cạnh tranh ngược” khi nông sản các nước khác tận dụng thuế rẻ, “tràn” vào cạnh tranh ở “sân nhà”.
Một trong những thách thức lớn nhất là nông sản Việt Nam chưa có hàm lượng giá trị gia tăng cao, chưa thể cạnh tranh với nông sản nhiều quốc gia khác - kể cả ở “sân nhà” và “sân khách”. Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN-PTNT, sản phẩm sơ chế có giá trị gia tăng thấp chiếm 70-80%, trong khi sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 15-30% (tùy theo cơ cấu mặt hàng). So sánh với Đài Loan, có thể thấy sản phẩm giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ ở mức khoảng 15-30%, trong khi Đài Loan là 80%. Điều này nói lên trình độ của Việt Nam còn rất hạn chế và cần phải đẩy mạnh khâu chế biến.
Một minh chứng cho việc nông sản Việt đang chủ yếu bán đi “giá cả” thay vì “giá trị” là thị trường Trung Quốc - vốn được biết đến là thị trường nhập khẩu nông sản thô của Việt Nam - hiện đang chiếm đến 24,6% tổng xuất khẩu nông sản của Việt Nam (và chiếm đến 73% kim ngạch xuất khẩu nếu tính riêng mặt hàng rau - củ - quả). Trong khi đó, thị trường cao cấp như EU: (Liên minh châu Âu) chỉ chiếm 9,2%, Nhật Bản chỉ chiếm 9,18%... nguồn: Bộ NN-PTNT).
Vậy nên với các FTA, ngành Nông sản Việt Nam cần đầu tư bài bản để cho ra sản phẩm sạch, ngoài ra, phải gia tăng sản phẩm chế biến, một mặt để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn; mặt khác sẽ giải quyết được điệp khúc “được mùa, rớt giá” bấy lâu nay.
V.L