Gần 6 năm qua kể từ khi Quyết định số 42/2015/QĐ-UBND ngày 31-11-2015 của UBND tỉnh về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước nông thôn (Quyết định 42) được ban hành, trong 15 dự án tham gia đầu tư lĩnh vực này ...
Gần 6 năm qua kể từ khi Quyết định số 42/2015/QĐ-UBND ngày 31-11-2015 của UBND tỉnh về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước nông thôn (Quyết định 42) được ban hành, trong 15 dự án tham gia đầu tư lĩnh vực này, chỉ có 6 dự án hoàn thành, 1 dự án đang triển khai, 8 dự án còn lại vẫn đang nằm trên giấy. Trong khi đó, nước sạch đang là một nhu cầu ngày càng cấp thiết ở các vùng nông thôn.
Nhiều báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra, người dân nông thôn mới là đối tượng khó tiếp cận với nguồn nước sạch. Bao năm nay, một tỷ lệ lớn người dân nông thôn vẫn sử dụng nước từ hệ thống ao, hồ, kênh, rạch, giếng ngầm… để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, ăn uống thường ngày. Thực tế, nước từ các nguồn nói trên thường nhiễm ký sinh trùng, kim loại nặng và đặc biệt những năm gần đây, khi các vùng chuyên canh nông nghiệp hình thành, sự thiếu kiểm soát về các chất độc tồn dư từ quá trình sản xuất càng làm cho nguồn nước ở các vùng nông thôn ô nhiễm nặng hơn. Do thiếu các dự án, công trình thủy lợi cấp nước với giá hợp lý, việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất gần đây cũng trở nên đáng báo động.
Để giải quyết tình trạng này, “con đường” hiệu quả nhất vẫn là tạo mọi điều kiện để triển khai các dự án cấp nước sạch ở nông thôn và nhất là làm sao để thu hút nguồn lực từ khối tư nhân đầu tư để đỡ gánh nặng cho ngân sách. Song, khó khăn vướng mắc vẫn xảy ra kể cả khi doanh nghiệp đã tham gia đầu tư dự án. Rà lại những dự án cấp nước (khá ít ỏi) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, có thể thấy nhiều vướng mắc ở một số dự án ở các địa phương vẫn chưa được giải quyết sau nhiều năm triển khai. Những vướng mắc như: thiếu quỹ đất để xây dựng nhà máy, dự án chưa được cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất, thiếu nguồn cấp nước, chậm trễ trong giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư… là những nguyên nhân chính khiến các công trình này chưa thể hoàn thành.
Trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ kêu gọi đầu tư 33 công trình, dự án nước sạch nông thôn. Trong đó, có 10 công trình đầu tư mới và 23 công trình đấu nối, mở rộng phạm vi cấp nước từ các công trình hiện hữu. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,9 ngàn tỷ đồng, trong đó đề xuất ngân sách hỗ trợ gần 800 tỷ đồng, còn lại vốn kêu gọi xã hội hóa.
Với những bất cập, vướng mắc từ các dự án hiện hữu, rõ ràng muốn kêu gọi và thực hiện thành công các dự án cấp nước sạch trong tương lai, cần sự chung tay của nhiều phía. Trong đó, chính quyền các địa phương cần sớm tháo gỡ những vướng mắc cho các dự án cấp nước, bản thân doanh nghiệp cần sự chủ động, nỗ lực và ngay cả người dân nông thôn cũng cần tạo và chấp nhận thói quen dùng nước sạch, trả phí tiêu dùng nước sạch. Có như vậy mới tạo được động lực cho doanh nghiệp tham gia đầu tư và về lâu dài, người dân nông thôn không phải sống chung với nghịch lý là “ở gần các nguồn nước mà lại thiếu nước sạch để dùng”.
V.L