Cách đây 5-10 năm, để tìm chỗ gửi trẻ ở các trường mầm non công lập tại Đồng Nai không phải là chuyện đơn giản. Trường ít trong khi nhu cầu gửi trẻ tăng cao hằng năm, nhất là ở những địa bàn tập trung đông khu công nghiệp như TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch...
Cách đây 5-10 năm, để tìm chỗ gửi trẻ ở các trường mầm non công lập tại Đồng Nai không phải là chuyện đơn giản. Trường ít trong khi nhu cầu gửi trẻ tăng cao hằng năm, nhất là ở những địa bàn tập trung đông khu công nghiệp như TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch... đã đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý các nhóm trẻ tự phát tại các hộ gia đình.
Thực tế, trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra không ít câu chuyện đau lòng liên quan đến bậc học này, như người giữ trẻ bạo hành trẻ hay vì không có kiến thức chăm sóc trẻ mà dẫn đến những tai nạn thương tâm. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này vẫn là do thiếu trường lớp gửi trẻ, buộc phụ huynh phải lựa chọn những nơi trông giữ trẻ không đảm bảo an toàn. Ở gần khu công nghiệp, nơi giữ trẻ thường là những phòng trọ nhỏ hẹp, chật chội, nhận giữ 4-5 trẻ. Người giữ trẻ thì hoàn toàn không có chuyên môn, nghiệp vụ, trông giữ trẻ chỉ dựa vào kinh nghiệm…
Thực trạng đó đã đặt ra bài toán khó cho tỉnh trong việc đầu tư xây dựng trường lớp nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ ở bậc học mầm non, nhất là trong điều kiện Đồng Nai luôn có số dân tăng cơ học cao, số lượng trẻ hằng năm cần đến trường lớn. Bên cạnh việc ưu tiên nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cùng với việc thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp gỡ khó, tỉnh đã tập trung xây dựng hệ thống trường mầm non công lập ở hầu hết các địa bàn dân cư, trong đó chú trọng khu vực tập trung đông công nhân lao động. Đặc biệt, Đồng Nai đã vận động, kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung tay xây trường lớp cho con công nhân lao động ngay tại khu vực doanh nghiệp đóng chân hoặc hình thành các trường tư thục chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu gửi trẻ của người dân.
Từ việc thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp, đến nay Đồng Nai đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu trường lớp cho bậc học mầm non. Đến nay, toàn tỉnh có 371 trường mầm non, trong đó có 224 trường mầm non công lập và 147 trường mầm non tư thục. Trung bình mỗi năm, có khoảng 20-30 trường mầm non mới được ra đời, chủ yếu là trường mầm non tư thục. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, Đồng Nai đã làm rất tốt việc huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào các trường mầm non tư thục có quy mô lớn, hiện đại, đạt tiêu chuẩn 5 sao, là mô hình hay có thể nhân rộng ra cả nước, nhất là với những tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, đông công nhân lao động cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn đất, vốn để xây dựng trường học.
Đồng Nai đang phấn đấu đến năm 2022 sẽ phát triển đạt con số 341 trường mầm non tư thục nhằm tiếp tục đáp ứng yêu cầu gửi trẻ của người dân, đặc biệt là với những công nhân đang lao động tại các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, tiến hành cấp phép cho các cơ sở nhà, nhóm trẻ nhằm tăng cường công tác quản lý, đảm bảo chất lượng hoạt động; đồng thời huy động tổng lực các nguồn lực đầu tư cho bậc học mầm non. Với những cơ sở đủ điều kiện sẽ tạo thuận lợi tối đa để phát triển lên thành trường. Những khó khăn về cơ chế, thủ tục hành chính có liên quan cũng được tháo gỡ nhằm thúc đẩy hệ thống giáo dục mầm non phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
M.N