Báo Đồng Nai điện tử
En

"Đón đầu" các dự án giao thông

08:09, 15/09/2020

Mới đây, UBND tỉnh cùng các tỉnh, thành phố lân cận đã lên kế hoạch xây dựng 5 dự án cầu, bao gồm: Bạch Đằng 2, Thống Nhất, Cát Lái, Nhơn Trạch và Phước An. Những dự án này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.

Mới đây, UBND tỉnh cùng các tỉnh, thành phố lân cận đã lên kế hoạch xây dựng 5 dự án cầu, bao gồm: Bạch Đằng 2, Thống Nhất, Cát Lái, Nhơn Trạch và Phước An. Những dự án này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.

Đồng Nai nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gần như là cửa ngõ từ miền Bắc và miền Trung vào vùng kinh tế này, trước khi đến các tỉnh, thành khác trong khu vực Nam bộ. Thời gian qua, cùng với các tuyến đường đã có từ trước như: quốc lộ 1 (đoạn qua Đồng Nai dài 102km), quốc lộ 20 (75km), quốc lộ 51 (42km) và quốc lộ 56 (18km), tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã góp phần giải tỏa áp lực giao thông đáng kể cho Đồng Nai. Thêm vào đó, các cây cầu Hóa An, Đồng Nai... được xây mới cũng đã mở được các “nút thắt giao thông” cho các tuyến ra vào Đồng Nai. Hay một số cầu vượt, nút giao được xây dựng (đặc biệt là ở khu vực TP.Biên Hòa), đã góp phần tạo sự thông thoáng cho một số trục đường quan trọng. Bên cạnh đó, nhiều đoạn của quốc lộ 1 và quốc lộ 20 đã được cải tạo, mở rộng, nâng cấp, góp phần hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, với vị trí cửa ngõ, giao thông Đồng Nai chịu áp lực rất lớn trong khi mật độ xây dựng mới và mức độ cải tạo gần như chưa đáp ứng được nhu cầu. Như trên quốc lộ 1, gần như suốt tuyến qua địa bàn tỉnh luôn trong tình trạng quá tải, có chăng chỉ được giải tỏa khi ra khỏi TP.Long Khánh đi phía Bắc. Còn trên tuyến quốc lộ 20, lưu lượng phương tiện cũng ngày càng tăng, nhất là các dịp cao điểm du lịch, khách đổ về Đà Lạt thì gần như luôn xảy ra tình trạng kẹt xe. Trong khi đó, nút giao ngã tư Dầu Giây được khởi công xây dựng từ tháng 3-2017 đến nay vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành. Hay một số tuyến đường có khả năng “chia lửa” cho các tuyến quốc lộ như ĐT769 hay Võ Nguyên Giáp cũng có những bất ổn ở các điểm giao. Hay cầu Bến Thuyền nối H.Định Quán với H.Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) đã hoàn thành nhưng đường sá thì chưa kết nối hoàn chỉnh...

Sắp tới đây, khi sân bay Long Thành được xây dựng, đi vào hoạt động hay đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cầu Cát Lái, cầu Nhơn Trạch hoàn thành, mật độ giao thông qua một số khu vực của tỉnh sẽ tăng gấp nhiều lần. Nếu không có những phương án xây dựng mới, hệ thống giao thông hiện tại của tỉnh sẽ trở nên quá tải, chưa kể đến sự gia tăng phương tiện tại chỗ.

Ngoài ra, Đồng Nai là một tỉnh phát triển cả về công nghiệp lẫn nông nghiệp, nhu cầu giao thông để cung cấp nguyên vật liệu, nhiên liệu hay vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp, hàng hóa… là rất lớn. Nhu cầu này cũng có xu hướng tăng trong thời gian tới, càng gây áp lực giao thông cho tỉnh nhà.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần có sự quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cho Đồng Nai. Bản thân Đồng Nai cũng cần có sự chủ động, đồng thời có sự gắn kết tốt hơn với các địa phương lân cận như: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận... để xây dựng và cải tạo hệ thống giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng, của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Việc khảo sát đầy đủ và dự báo nhu cầu đi lại, vận chuyển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội... trong 10-20 năm tới để có các kế hoạch phù hợp là rất cần thiết. Các tính toán đó phải gắn với định hướng phát triển chung của cả vùng và quy mô phát triển trong từng thời điểm cụ thể. Cần lưu ý nên có sự “đón đầu” thay vì nhu cầu tới đâu làm tới đó, để có thể thuận lợi hơn trong việc giải phóng mặt bằng và khả năng kết nối tốt hơn.

Bên cạnh giao thông đường bộ, tỉnh cần nghiên cứu và có phương án phát triển một số loại hình giao thông khác theo điều kiện đặc thù của mình. Trước hết, tuyến metro Long Thành - Suối Tiên sẽ phải triển khai sớm; liệu nên có thêm những tuyến nào khác nữa không? Hay giao thông đường thủy có thể khai thác những tuyến nào, vừa đáp ứng nhu cầu vận tải vừa phục vụ du lịch, nhất là trong mối liên hệ với TP.HCM, Bình Dương, Bình Thuận… Với những tuyến hiện hữu, cần có kế hoạch cải tạo, mở rộng, không chỉ phục vụ giao thông mà còn góp phần hạn chế tai nạn giao thông.

Vấn đề giao thông của Đồng Nai nên được đưa vào các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh liên tục để xem đó là một định hướng lớn, một mục tiêu quan trọng nhằm tập trung nhiều nguồn lực thực hiện. Bởi đây là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nhà mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

 Minh Hải

Tin xem nhiều