"Năng lượng tái tạo" là một cụm từ không còn xa lạ trong những năm gần đây, kể cả tại Việt Nam và trên thế giới. Với sự phát triển mạnh mẽ của các quốc gia, những "túi năng lượng" của xã hội loài người mà trước đây ngỡ như bất tận (như than đá, dầu, khí) đang dần cạn kiệt hoặc nảy sinh quá nhiều vấn đề khi khai thác với trữ lượng lớn.
“Năng lượng tái tạo” là một cụm từ không còn xa lạ trong những năm gần đây, kể cả tại Việt Nam và trên thế giới. Với sự phát triển mạnh mẽ của các quốc gia, những “túi năng lượng” của xã hội loài người mà trước đây ngỡ như bất tận (như than đá, dầu, khí) đang dần cạn kiệt hoặc nảy sinh quá nhiều vấn đề khi khai thác với trữ lượng lớn.
Hồ Trị An có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Trong ảnh: Một góc thủy điện Trị An |
[links()]Trong bối cảnh đó, năng lượng tái tạo không chỉ đơn thuần là một giải pháp, nó còn là “lối ra” của rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm giải quyết bài toán năng lượng bền vững bởi nhu cầu sử dụng ngày một tăng cao mà nguồn cung năng lượng truyền thống lại đang dần thu hẹp lại.
Có nhiều nguồn năng lượng tái tạo, trong đó phổ biến nhất là thủy điện - đã được đầu tư rất nhiều tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có các nguồn năng lượng tái tạo khác được nhắc đến nhiều như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối (phế phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi…), năng lượng từ xử lý chất thải rắn, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thủy triều…
Xét về lịch sử, thủy điện từng là nguồn năng lượng tái tạo chiếm “ngôi vương” tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Không thể phủ nhận những lợi ích mà thủy điện đem lại cho cuộc sống con người, đem lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển thủy điện ở nhiều nơi, Chính phủ và các địa phương đã phải ngồi lại tính toán kỹ, nhận thấy những tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống người dân bên cạnh những lợi ích mà thủy điện mang lại. Khi phát triển thủy điện khắp nơi, nhiều vấn đề đã xảy ra: vỡ đập, phá vỡ sinh kế của người dân và mất đi nhiều diện tích rừng, thay đổi dòng chảy của nhiều con sông, một số hồ chứa gây ra các cơn động đất nhỏ…
Tác động tiêu cực của thủy điện hiện đã vượt xa biên giới của một quốc gia, nhiều “siêu đập” thủy điện được đặt tại quốc gia này không chỉ gây nên hệ quả cho quốc gia đó mà còn gây ra tác động xấu đến nhiều nước lân cận. Sớm nhìn ra điều này nên trong 5 năm qua, Việt Nam đã hủy bỏ hàng trăm dự án thủy điện lớn nhỏ tại nhiều địa phương để ngăn ngừa hậu quả xấu.
Song, khi dừng phát triển thủy điện, Việt Nam phải giải một bài toán khó về thiếu hụt năng lượng. Vậy nên Chính phủ nói chung và chính quyền nhiều địa phương nói riêng đã hết sức quan tâm đến việc phát triển, đầu tư nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác. Không chỉ về chủ trương chung, mà nhiều chính sách cụ thể đã được ban hành, “mở” ra nhiều cơ hội đầu tư vào điện gió, điện mặt trời, điện rác…
Hiện tại, Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo và bước đầu đã phát triển thuận lợi. Nhưng trên thực tế, vẫn còn những cơ chế chưa thật sự thông thoáng khiến việc đầu tư rộng rãi các nguồn năng lượng tái tạo chưa được như mong muốn. Điều này cần sớm được cải thiện bằng những chính sách mạnh mẽ hơn, chi tiết hơn, thông thoáng hơn (về cơ chế, về giá…) để thu hút tất cả mọi thành phần kinh tế cùng Chính phủ chung tay tham gia giải bài toán thiếu hụt năng lượng vì nguy cơ này đã đến rất gần.
Vi Lâm