Hôm nay 4-5, sau kỳ nghỉ dài kỷ lục do dịch bệnh Covid-19, học sinh trong cả nước quay trở lại trường học tập. Dù háo hức, mong ngóng được tới trường, tới lớp nhưng chắc hẳn nhiều em không tránh khỏi bỡ ngỡ, khó bắt nhịp ngay với việc học tập.
Hôm nay 4-5, sau kỳ nghỉ dài kỷ lục do dịch bệnh Covid-19, học sinh trong cả nước quay trở lại trường học tập. Dù háo hức, mong ngóng được tới trường, tới lớp nhưng chắc hẳn nhiều em không tránh khỏi bỡ ngỡ, khó bắt nhịp ngay với việc học tập. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho các cơ sở giáo dục hiện nay là khá nặng nề, làm sao để vừa đảm bảo tiến độ học tập cho học sinh vừa không lơ là công tác phòng, chống dịch bệnh.
Để chuẩn bị cho việc học sinh quay lại học tập khi dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được đẩy lùi, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã phối hợp khá chặt chẽ trong công tác hướng dẫn các biện pháp phòng dịch trong tình hình mới. Theo đó, ngoài các biện pháp chung nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, học viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên khi tiến hành dạy, học trở lại như: vệ sinh, sát khuẩn trường lớp, đeo khẩu trang... tùy tình hình thực tế ở mỗi địa phương, thực hiện việc giãn cách, tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp. Riêng các trường hợp bị sốt ho, khó thở phải nghỉ ở nhà và thông tin ngay cho nhà trường, đồng thời đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Các trường hợp đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế không được phép đến trường.
Đối với chương trình học kỳ 2 của năm học 2019-2020, sau khi Bộ GD-ĐT công bố chương trình giảm tải, các cơ sở giáo dục đã có phương án giảng dạy phù hợp, nhất là với học sinh khối 9 và 12. Vấn đề quan tâm nhất hiện nay của phụ huynh và học sinh chính là việc tổ chức giảng dạy sao cho tất cả học sinh đều được đảm bảo kiến thức cơ bản của chương trình học. Bởi thực tế cho thấy, dù trong thời gian nghỉ học kéo dài do dịch bệnh, học sinh được ôn tập và học qua truyền hình, học online nhưng tỷ lệ tham gia còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa thiếu thốn các phương tiện kết nối. Ngay cả với những địa phương có số lượng học sinh học trực tuyến cao cũng chưa chắc chắn chất lượng học tập được đảm bảo. Do vậy, rất cần một sự đánh giá, kiểm tra năng lực để tất cả học sinh vững tin bước vào học kỳ 2 rất khác so với mọi năm.
Tất nhiên, để học sinh có tâm lý thoải mái và yên tâm khi trở lại trường, vai trò của giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm, hiện nay rất quan trọng. Lúc này, các thầy cô không chỉ là những giáo viên bộ môn đơn thuần mà còn là những chuyên gia tâm lý, vừa giúp học sinh không lơ là phòng ngừa dịch bệnh, vừa tập trung cao độ vào học tập; kịp thời phát hiện ra những học sinh bị “hổng” kiến thức để bồi dưỡng, không để các em bị bỏ lại phía sau. Nhà trường và phụ huynh; thầy và trò phải rất cố gắng, nỗ lực trong giai đoạn khó khăn này nhằm hoàn thành tốt kế hoạch năm học đã được điều chỉnh.
Tại Đồng Nai, công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường đã được các cơ sở giáo dục trong tỉnh chuẩn bị khá chu đáo và kỹ càng. Trong thời gian học sinh được nghỉ học, các giáo viên vẫn đến trường để khử khuẩn, vệ sinh trường lớp; nhà trường trang bị các máy đo thân nhiệt, bồn rửa tay, xà phòng... đầy đủ để sẵn sàng đón học sinh tới trường. Tất cả đang rất háo hức cho một khởi đầu học kỳ 2 đặc biệt sau kỳ nghỉ dài do dịch bệnh Covid-19.
Minh Ngọc