Trong Luật Đất đai nêu rõ, quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
Trong Luật Đất đai nêu rõ, quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
QHSDĐ đã và đang được xem là quy hoạch nền tảng trong khai thác, đầu tư, sử dụng quỹ đất, có vai trò quan trọng bậc nhất khi thực hiện mọi dự án kinh tế - xã hội. Lâu nay, QHSDĐ còn có tính chi phối lớn đối với các quy hoạch khác. Nói đúng hơn, để thực hiện một dự án bất kỳ, việc đầu tiên nhà đầu tư cần quan tâm, xem xét là dự án có phù hợp với QHSDĐ hay không trước khi tiến hành các loại hồ sơ, thủ tục khác.
Trong nhiều năm qua, pháp luật và các quy định về thủ tục đất đai ngày càng được cải tiến, sửa đổi, cập nhật với mục tiêu hạn chế tiêu cực, hạn chế thời gian và công sức nhưng vẫn đem lại hiệu quả trong quản lý đất đai. Trong đó, xây dựng và thiết lập QHSDĐ các cấp được coi là phần việc rất quan trọng, đòi hỏi sự cân nhắc, tính toán kỹ càng và một tầm nhìn ít nhất trong 5-10 năm.
Đồng Nai và nhiều địa phương khác đang trong giai đoạn ráo riết thực hiện QHSDĐ cho giai đoạn 2021-2030. Quan sát toàn cảnh phát triển kinh tế - xã hội Đồng Nai trong thời gian qua, không khó để dự đoán giai đoạn sắp tới sẽ là một giai đoạn vô cùng sôi động về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hạ tầng giao thông và phát triển đô thị. Do đó, QHSDĐ càng quan trọng hơn, đòi hỏi tầm nhìn, sự rõ ràng và tính hợp lý.
Với lần xây dựng QHSDĐ này, cần hạn chế những điểm yếu và bất hợp lý của quy hoạch cũ, bám sát tình hình sử dụng đất thực tế trên từng địa bàn. Thời gian qua, các địa phương đã phải xin điều chỉnh QHSDĐ khá nhiều do quy hoạch có độ “vênh” khá lớn khi đi vào thực tế.
QHSDĐ rồi sẽ được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch nhằm từng bước tiến đến một nền pháp luật về đất đai, quy hoạch rõ ràng, minh bạch, hiệu quả, tránh gây phiền hà, thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tiêu cực, vi phạm pháp luật về đất đai như thời gian qua. Tuy nhiên, muốn như vậy thì ngay từ thời điểm này, các bước xây dựng QHSDĐ cần phải được thực hiện hiệu quả, đúng đắn, có tính toán căn cơ cho giai đoạn 5-10 năm sau và đặc biệt, cần sự nghiêm túc từ cấp xã, phường trở lên nhằm nhìn nhận đúng nhu cầu sử dụng từng loại đất trong giai đoạn tới.
Vi Lâm