Báo Đồng Nai điện tử
En

Muốn đi xa, liên kết phải vững vàng

09:10, 14/10/2019

Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững là một trong những chính sách quan trọng mà Đồng Nai kiên trì thực hiện nhiều năm qua. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 120 chuỗi liên kết và nằm trong nhóm các địa phương có số lượng các chuỗi liên kết nhiều nhất nước

Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững là một trong những chính sách quan trọng mà Đồng Nai kiên trì thực hiện nhiều năm qua. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 120 chuỗi liên kết và nằm trong nhóm các địa phương có số lượng các chuỗi liên kết nhiều nhất nước

Các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của Đồng Nai khá đa dạng, trải dài từ chăn nuôi đến trồng trọt, trong đó có những chuỗi liên kết đã xuất khẩu được nông sản đến những thị trường “khó tính” như các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...

Về lâu dài, hướng đi này được xác định vẫn là hướng đi căn cơ, bền vững để giúp nông dân cạnh tranh và tồn tại giữa thời hội nhập.

Tuy vậy, do phát triển chưa lâu, lại dựa trên một nền nông nghiệp có tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm và ít khi liên kết lại vì một lợi ích chung, do đó các chuỗi liên kết tại Đồng Nai vẫn còn gặp vướng mắc, khó khăn, dẫn đến hiệu quả của nhiều chuỗi chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.

Một trong những mục đích lớn nhất khi thành lập các chuỗi liên kết là tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm chi phí; đồng thời có thể kiểm soát chất lượng sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra một cách xuyên suốt, đồng đều. Tuy nhiên, tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu, số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều, đầu ra chưa bền vững…

Trong đó, một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc duy trì và phát triển chuỗi liên kết một cách lâu dài lại nằm ở nhận thức và “chữ tín” của những đối tượng tham gia. Có rất nhiều ví dụ về tình trạng liên kết gãy đổ cho một trong các bên, có thể là doanh nghiệp hoặc nông dân không tuân thủ những cam kết ban đầu. Khi xảy ra biến động về giá hoặc thị trường, doanh nghiệp có thể “bỏ” nông dân, mà nông dân cũng có thể “phá” hợp đồng, thay vì bán hàng cho doanh nghiệp lại bán cho thương lái bên ngoài vì giá “nhỉnh” hơn. Điều này làm cho sự tin tưởng giữa các bên khi tham gia liên kết không cao, do đó hợp tác càng lỏng lẻo.

Muốn nông sản đi xa, muốn nông sản có thể cạnh tranh ngay cả trên sân nhà lẫn xuất khẩu ra thế giới, rõ ràng nông dân và doanh nghiệp phải liên kết với nhau. Tuy nhiên, cũng cần rất nhiều trợ lực để các chuỗi liên kết bền chặt hơn. Nhà nước có thể hỗ trợ nhiều mặt, từ quy hoạch vùng sản xuất, phát triển nhà máy chế biến, nguyên liệu, đầu tư hạ tầng vận chuyển nông sản suôn sẻ hơn, có chính sách tiếp cận vốn giá rẻ, hỗ trợ thông tin thị trường… Song, nói cho cùng, sự tin tưởng để bắt tay cùng nhau vượt khó nhằm xây dựng những chuỗi liên kết bền vững lâu dài chủ yếu nằm ở lòng tin giữa các bên.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều