Muốn con yên lặng, không làm phiền, nhiều phụ huynh đã chọn cách dúi vào tay con chiếc điện thoại thông minh hay chiếc máy tính bảng để con tha hồ chơi game hay xem thứ gì con thích trên internet.
Muốn con yên lặng, không làm phiền, nhiều phụ huynh đã chọn cách dúi vào tay con chiếc điện thoại thông minh hay chiếc máy tính bảng để con tha hồ chơi game hay xem thứ gì con thích trên internet. Muốn con ngoan ngoãn ăn uống hay dỗ con nín khóc, mè nheo, nhiều phụ huynh cũng thường sử dụng công cụ hữu hiệu là những clip, trò chơi trên mạng mà con mê để “dụ”. Chính người lớn chứ không ai khác đã khiến trẻ ngay khi còn rất nhỏ đã bị lệ thuộc vào những thiết bị công nghệ mà không biết rằng hậu quả về sau khá nặng nề.
Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng khi con mình sử dụng thời gian quá nhiều trong một ngày cho chiếc điện thoại, máy tính bảng hay tivi thông minh. Trong số đó có trẻ biểu hiện sa sút về học tập, bê trễ việc nhà và tỏ rõ sự khó chịu khi bị cha mẹ la rầy chuyện mê mạng xã hội. Thậm chí có phụ huynh đã làm mọi cách để cấm cản con mình như: tịch thu điện thoại, máy tính bảng hay cắt internet… Thế nhưng, tất cả những biện pháp này dường như vẫn chưa đủ để trẻ từ bỏ niềm đam mê với thế giới ảo và chúng vẫn tìm cách để chơi, xem bằng cách này hay cách khác, nhất là với những trẻ trót nghiện!
Không thể cấm trẻ tiếp xúc với internet bởi điều này đi ngược lại sự phát triển của xã hội. Hơn thế nữa, internet mang lại khá nhiều điều có lợi cho trẻ nếu như được khai thác tốt, đúng mục đích. Vấn đề là ở chỗ, phụ huynh đã chuẩn bị như thế nào để đồng hành cùng con em mình trước sức cám dỗ khá mạnh mẽ từ internet?
Theo các chuyên gia tâm lý, muốn kiểm soát con xem gì, chơi gì trên internet, mạng xã hội thì trước hết phụ huynh phải là người am hiểu về các công cụ đó để có thể định hướng đúng đắn được cho con. Không nên la mắng, quát tháo thậm chí đánh đập con trẻ vì điều này sẽ phản tác dụng, nhất là khi nhiều đứa trẻ mê thế giới ảo hơn thế giới thật. Còn khi muốn con từ bỏ thói quen phụ thuộc quá nhiều vào internet, bắt buộc phải có hành vi hoặc hoạt động khác thay thế mà biện pháp quan trọng nhất là tăng cường độ, thời gian tương tác giữa các thành viên trong gia đình, tạo sự gắn kết, hiểu biết lẫn nhau.
Đã có rất nhiều bức ảnh, tranh mô tả cuộc sống gia đình thời hiện đại khiến người xem phải suy ngẫm về hình ảnh cả nhà quây quần bên nhau không phải để trò chuyện mà là mỗi người mỗi góc. Cha, mẹ thì ôm điện thoại, con trẻ đứa dán mắt vào máy tính bảng, đứa xem tivi. Muốn “cai nghiện” cho trẻ, người lớn trước tiên phải là những tấm gương để giúp trẻ học theo và định hướng chúng lựa chọn hình thức giải trí phù hợp, tránh sa đà, phụ thuộc quá nhiều vào internet và mạng xã hội.
Minh Ngọc