Ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, một tin vui đến với nền y học nước nhà khi Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.Hồ Chí Minh) là nơi đầu tiên mổ thành công u não bằng hệ thống robot Modus V Synaptive trong phẫu thuật thần kinh ở châu Á.
Ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, một tin vui đến với nền y học nước nhà khi Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.Hồ Chí Minh) là nơi đầu tiên mổ thành công u não bằng hệ thống robot Modus V Synaptive trong phẫu thuật thần kinh ở châu Á.
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) sử dụng hệ thống Robot Mako, Rosa trong phẫu thuật khớp và sọ não. Đây đều là những thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất được ứng dụng vào chẩn đoán và điều trị những ca bệnh khó, phức tạp ở nước ta.
Việt Nam cũng đã hình thành và đưa vào hoạt động mô hình bệnh viện thông minh với những trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại bậc nhất. Việt Nam đã hoàn toàn tự tin làm chủ những kỹ thuật khó mà trước đây chỉ có nước ngoài mới thực hiện được. Nhờ những thành tựu mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, ngành y tế Việt Nam đang rút ngắn khoảng cách với nền y tế tiên tiến của nhiều nước, đặc biệt là tay nghề, kỹ thuật điều trị một số loại bệnh được thế giới đánh giá cao.
Trước sự thay đổi mạnh mẽ đó, ngành y tế Đồng Nai cũng không thể đứng ngoài cuộc. Lãnh đạo ngành đang rất quyết tâm xây dựng nền y tế thông minh với 3 nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe thông minh khám chữa bệnh thông minh, và quản trị y tế thông minh. Từng nhiệm vụ với lộ trình cụ thể đã được đặt ra với mong muốn lớn nhất là để thực hiện công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân một cách tốt nhất.
Tất nhiên, để xây dựng được một nền y tế thông minh không phải dễ, nhất là trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ở Đồng Nai chưa đồng bộ, đặc biệt là với tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo nhất vẫn là nguồn nhân lực của ngành hiện chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời đại công nghệ 4.0. Đồng Nai vẫn thiếu đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế có trình độ, tay nghề cao để làm chủ khoa học kỹ thuật, tự tin thực hiện những ca bệnh khó và phức tạp.
Sẽ phải có những tính toán rất cụ thể trên cơ sở thực tế tình hình địa phương để đạt được mục tiêu khi hướng tới nền y tế thông minh, trong đó lợi ích của người dân phải được đặt lên cao nhất. Song với những chuyển biến đáng mừng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân thời gian qua và nhất là từ sự hài lòng của người bệnh ngày càng gia tăng, hy vọng ngành y tế Đồng Nai sẽ sớm thực hiện thành công nền y tế thông minh trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh.
Minh Ngọc