Đúng như dự báo, sau vụ chủ Công ty TNHH KL Texwell Vina (huyện Trảng Bom) về nước, bỏ lại hàng ngàn lao động bơ vơ, mới đây nhất đã có thêm một doanh nghiệp ở huyện Nhơn Trạch "mất tích" để lại đủ các khoản nợ, trong đó có tiền lương và bảo hiểm xã hội của người lao động.
Đúng như dự báo, sau vụ chủ Công ty TNHH KL Texwell Vina (huyện Trảng Bom) về nước, bỏ lại hàng ngàn lao động bơ vơ, mới đây nhất đã có thêm một doanh nghiệp ở huyện Nhơn Trạch “mất tích” để lại đủ các khoản nợ, trong đó có tiền lương và bảo hiểm xã hội của người lao động.
Dù đã đoán trước được tình hình và tăng cường nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động nhưng vì sao không ngăn chặn được? Trong khi đó, nếu nhìn vào con số thống kê đến thời điểm này, có thể thấy việc nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã đến mức báo động với trên 566,8 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với năm 2017.
Đáng chú ý, có những “con nợ” đã bị nhắc tên nhiều lần trong các cuộc họp của ngành bảo hiểm xã hội như: Công ty cổ phần Lilama 45.1, Công ty TNHH Vietbo, Công ty cổ phần Lilama 45.4, Công ty rượu Sampanh Matxcơva… Các đơn vị chức năng cũng đã có nhiều biện pháp nghiệp vụ để vào cuộc, kể cả xử phạt nhưng các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tìm mọi cách để thoái thác, chây ì không chịu đóng bảo hiểm cho người lao động.
Rõ ràng, đã và đang có những bất cập về quy định của pháp luật liên quan đến việc thu nợ bảo hiểm. Vì thế, doanh nghiệp mới tỏ ra thách thức, không tuân thủ, không chấp hành nghĩa vụ mặc dù nhiều lần bị điểm mặt, chỉ tên. Bên cạnh đó, cơ chế giám sát hành vi trốn bảo hiểm trong và ngoài doanh nghiệp cũng chưa phát huy hiệu quả dẫn đến việc có những doanh nghiệp, chuyện vỡ lở nhưng các tổ chức đoàn thể và người lao động không hề hay biết.
Hậu quả sau những vụ chủ doanh nghiệp bỏ trốn cho đến nay Đồng Nai vẫn chưa khắc phục xong. Trong khi đó, danh sách số lượng những doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm nhiều tỷ đồng đang dài thêm. Nếu không tích cực giải quyết, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề, rất có thể sẽ còn tiếp tục xảy ra những vụ “mất tích” tương tự và đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất không ai khác vẫn là người lao động.
Trong lúc chờ đợi những thay đổi từ cấp có thẩm quyền liên quan đến hành vi trốn nợ bảo hiểm xã hội, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các đơn vị chức năng của tỉnh trong việc đôn đốc thu hồi nợ đọng. Đặc biệt, khâu nắm bắt “sức khỏe” của doanh nghiệp cần thực hiện thường xuyên, nghiêm túc hơn nữa để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, để lại rất nhiều khó khăn cho địa phương trong quá trình xử lý tồn đọng.
Minh Ngọc