Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm tính nhân văn cho một chính sách

10:01, 10/01/2016

Nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai tại cuộc họp mới đây đã kiến nghị Chính phủ nên kéo dài thời hạn cho vay của gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng (theo Nghị quyết 02 ra đời vào 7/1/2013).

Nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai tại cuộc họp mới đây đã kiến nghị Chính phủ nên kéo dài thời hạn cho vay của gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng (theo Nghị quyết 02 ra đời vào 7/1/2013). Theo đó, nếu chỉ kéo dài đến tháng 6-2015 tới rồi chấm dứt, nhiều người thu nhập thấp sẽ không có điều kiện tiếp cận với giấc mơ sở hữu một căn nhà.

Khởi đầu, gói 30 ngàn tỷ đồng được Chính phủ đưa ra vào đầu năm 2013 nhằm góp tay giải cứu thị trường bất động sản đang trên đà tuột dốc, bằng cách cung ứng nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cho cả chủ đầu tư (doanh nghiệp) và người mua nhà (những người thu nhập thấp). Qua đó, chương trình giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để tiếp tục các dự án khả thi, quan trọng hơn là những người có nhu cầu ở thực sự có thể mua được nhà với lãi suất thấp và thời gian trả nợ vay kéo dài.

Chính sách này ban đầu không được thị trường mặn mà đón nhận lắm do quá nhiều ràng buộc về điều kiện vay, doanh nghiệp lẫn người mua đều khó đáp ứng. Tuy nhiên, sau nhiều lần tháo gỡ, gói vay ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng đã đến được với nhiều người. Tại Đồng Nai, tính đến thời điểm này, người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh đã vay được trên 183 tỷ đồng, mua được nhà ở để ổn định cuộc sống.

Theo đánh giá, với gần nửa triệu công nhân ngoại tỉnh sinh sống và làm việc, cùng hàng chục ngàn cán bộ công chức, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, nhu cầu sở hữu nhà ở tại Đồng Nai là khá cao trong những năm tới. Vài ba năm gần đây, nhiều doanh nghiệp tại Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch - những địa phương có nhu cầu lớn về nhà ở, đã bắt tay đầu tư nhiều dự án nhà ở cho người thu nhập thấp với thị trường mục tiêu là những gia đình công nhân, công chức sống trên địa bàn. Những nguồn vay vốn ưu đãi lãi suất thấp như gói 30 ngàn tỷ được xem là “đòn bẩy” để người thu nhập thấp mạnh dạn mua nhà an cư lạc nghiệp, doanh nghiệp lấy lại vốn đã đầu tư vào thị trường bất động sản. Bản thân doanh nhiệp đầu tư dự án cũng có thể vay vốn trong gói này để triển khai dự án.

 Tuy nhiên, gói vay này chỉ còn hiệu lực trong gần 6 tháng nữa nên các doanh nghiệp đã đăng ký vay vốn xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa kịp giải ngân khá nóng ruột vì lo đến ngày 30-6 sẽ không tiếp tục giải ngân được. Như vậy việc xây dựng, bán nhà gặp nhiều khó khăn.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh cũng đã có đề xuất gia hạn thời có hạn giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng đến hết ngày 31-5-2018, cũng với lý do để gói tín dụng giá rẻ này đến được nhiều hơn với những người có nhu cầu ở thực sự nhưng thu nhập chưa cho phép mua nhà. Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh còn đề xuất lãi suất nên giảm chỉ còn 4-4,5%/năm thay vì mức 5-6%/năm như hiện tại.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh trong cuộc họp mới đây cho rằng nhu cầu về nhà ở xã hội trong tỉnh hiện vẫn còn rất lớn, nên tỉnh đã đề nghị Chính phủ tiếp tục có vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và người thu nhập thấp để mua nhà. Cũng theo ông Vĩnh, hiện 1 công nhân  lao động có hiệu quả, năng suất gấp 3 - 4 lần lao động nông nghiệp ở nông thôn, hàng năm đóng góp rất lớn cho phát triển của đất nước cũng như Đồng Nai, vì vậy việc chăm lo đời sống cho họ rất cần thiết. Tỉnh cũng vận động các doanh nghiệp có điều kiện nên đầu tư nhà ở công nhân.

Nếu tiếp tục được gia hạn, trong đó chọn lọc thật tốt đối tượng vay, đặt trọng tâm vào người làm nhà thu nhập thấp và người mua nhà thu nhập thấp, thì gói vay 30 ngàn tỷ đồng sẽ tiếp tục là một chính sách rất nhân văn.

Vi Lâm

Tin xem nhiều