Đồng Nai là một trong những địa phương có quy hoạch các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi từ sớm, bắt đầu từ năm 2009 với 139 vùng quy hoạch trong tỉnh.
Đồng Nai là một trong những địa phương có quy hoạch các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi từ sớm, bắt đầu từ năm 2009 với 139 vùng quy hoạch trong tỉnh. Qua gần 8 năm thực hiện quy hoạch và khuyến khích nhà đầu tư vào đầu tư trang trại tại các khu quy hoạch chăn nuôi, số trang trại trong vùng quy hoạch đã tăng từ 200 lên 533, nghĩa là đã có hiệu quả. Tuy nhiên, số trang trại tồn tại ngoài quy hoạch lại tăng nhanh hơn, với số lượng nhiều hơn: 1.511 trang trại - cũng có nghĩa là chăn nuôi ngoài quy hoạch vẫn phát triển rất rầm rộ gấp nhiều lần.
Nhiều địa phương kêu ca trong các cuộc họp về việc chậm tiến độ di dời. Thậm chí, không chỉ chậm mà có nơi “trắng tay” như huyện Trảng Bom: đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng vùng thí điểm tại xã Cây Gáo nhưng đến nay chưa có trang trại nào được đầu tư do công tác di dời các cơ sở nằm trong khu dân cư chưa được thực hiện. Xuân Lộc cũng có 2 vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi được chọn thí điểm đầu tư hạ tầng tại xã Xuân Hiệp, Xuân Trường có tổng diện tích 166 hécta hiện cũng chỉ thu hút được 10 trang trại chăn nuôi do chưa có vốn làm đường vào khu quy hoạch.
Các nguyên nhân khiến cả trăm vùng quy hoạch chăn nuôi bị “ế hàng”, có thể kể đến: hầu hết các vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung đều ở những vùng sâu, việc đầu tư cho hạ tầng, giao thông gặp nhiều khó khăn, một số vùng quy hoạch cũng chưa phù hợp với nhu cầu thực tế cần điều chỉnh lại… Mặc dù tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách để quản lý, hỗ trợ phát triển chăn nuôi nhưng chính sách chưa đủ mạnh, người chăn nuôi và doanh nghiệp khó tiếp cận; công tác quản lý chăn nuôi thực hiện chưa được tốt; việc di dời các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường chưa được thực hiện hiệu quả đúng như lộ trình…
Nhiều nhà đầu tư khi được hỏi còn cho rằng, để vào các vùng quy hoạch, họ phải tuân thủ rất nhiều điều kiện về đất đai, môi trường, quy trình chăn nuôi… một cách khắt khe, chưa kể các đoàn kiểm tra liên tục “thăm hỏi” để đảm bảo các trang trại trong vùng quy hoạch hoạt động đúng đắn. Trong khi đó, mở trang trại ngoài vùng quy hoạch lại không bị “vướng” những điều này, khiến cho việc phát triển chăn nuôi ngoài vùng quy hoạch vẫn diễn ra mạnh mẽ trong khi các vùng quy hoạch vẫn vắng bóng nhà đầu tư.
Độ vênh giữa quy hoạch và thực tế phát triển này khi nhìn từ góc độ nhà đầu tư thì cần giải quyết 3 vấn đề: Về chính sách đất đai, ngoài việc có những vùng quy hoạch với diện tích rộng, cần có giá đất phù hợp cho doanh nghiệp mua hoặc thuê dài hạn. Đặc biệt, cần gỡ những vướng mắc về chính sách thú y và tiêu chuẩn khu xử lý nước thải chăn nuôi. Ý kiến trên được ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình, nêu ra cùng với lý giải cần có sự thông thoáng, hợp lý về chính sách thì nhà đầu tư sẽ mạnh dạn tham gia tự đầu tư chứ không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm việc di dời các cơ sở chăn nuôi vào vùng quy hoạch, không để những trang trại nhỏ lẻ ngoài quy hoạch, dẫn đến sự thiếu công bằng trong làm ăn và quản lý.
Kim Ngân