Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông thôn mới vững chắc

10:01, 13/01/2016

Những ngày cuối năm 2015, Đồng Nai đón tin vui: huyện Thống Nhất được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến sắp tới có thêm 2 huyện đạt chuẩn nữa là Long Thành và Nhơn Trạch

Những ngày cuối năm 2015, Đồng Nai đón tin vui: huyện Thống Nhất được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Từ nền tảng của 2 địa phương cấp huyện đầu tiên đạt danh hiệu nông thôn mới trong năm 2014 là huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh, đến nay số huyện đạt chuẩn của Đồng Nai đã được nâng lên 3 địa phương, dự kiến sắp tới có thêm 2 huyện đạt chuẩn nữa là Long Thành và Nhơn Trạch. Với những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trong xây dựng và phát triển nông thôn mới, một ngày không xa Đồng Nai sẽ đạt tiêu chí 100% địa phương hoàn thành nông thôn mới vào năm 2020 theo nghị quyết đề ra, trong đó có 15% đạt chuẩn theo tiêu chí nâng cao.

Trong niềm vui chung đó, với định hướng phát triển bền vững, Đồng Nai vẫn còn nhiều nỗi lo: một số xã chưa đạt tiêu chí xây dựng thiết chế văn hóa do thiếu đất, các địa phương có thiết chế văn hóa thì còn lúng túng trong xây dựng phương hướng, kinh phí hoạt động. Ngoài ra, có một thực tế là tại các địa phương hiện nay tỷ lệ gia đình văn hóa đạt rất cao nhưng nơi nào cũng tiềm ẩn nguy cơ về tội phạm, tệ nạn xã hội.

Nhìn lại, hầu như tại các xã nông thôn mới nào cũng có các thiết chế văn hóa dân gian, như đình, chùa, miếu. Đây là “mái nhà chung” của cộng đồng, nơi lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, như: lòng yêu nước, tinh thần tương thân tương ái, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, thuần phong mỹ tục, luân lý gia đình; tôn trọng bậc cao niên, nhắc nhở nhau về đạo làm người, làm lành lánh dữ, hướng đến điều thiện... Để nông thôn mới phát triển bền vững, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, còn phải thực sự quan tâm đến phát triển văn hóa, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề khai thác, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích lịch sử ở các địa phương.

Ông bà xưa thường nói “Ôn cố tri tân”. Nông thôn mới cũng cần tôn vinh các giá trị truyền thống, lấy đó làm nền tảng để phát huy cái mới. Một số địa phương hiện chỉ mới quan tâm tới việc xây dựng bộ mặt của nông thôn, như: nhà cửa, đường sá, cầu cống, chưa chú trọng đến việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người dân với nhiều hệ giá trị: thiết chế văn hóa, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, truyền thống văn hóa, tài sản văn hóa… Như vậy sẽ khó có một nông thôn mới với đầy đủ ý nghĩa cần có. Các hệ giá trị văn hóa chính là linh hồn, là nền tảng tinh thần của nông thôn mới. Nông thôn mới cần có bộ mặt hiện đại, nhưng tinh thần vẫn phải giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong xây dựng nông thôn mới cũng cần phải chú trọng đến xây dựng con người mới, vừa biết tiếp thu khoa học kỹ thuật để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, làm chủ ruộng đồng, vừa biết phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc kết hợp với những giá trị văn hóa tiên tiến mọi thời đại.

Bên cạnh những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai hiện đang tổ chức mời các nhà khoa học nghiên cứu về xây dựng văn hóa ở các vùng nông thôn mới, là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước quan tâm đến vấn đề này. Đó chính là tầm nhìn xa trông rộng, mong muốn xây dựng nông thôn mới một cách bền vững, đảm bảo chất lượng sống, phù hợp quy luật phát triển của xã hội.

Thanh Thúy

Tin xem nhiều