Cách đây gần 70 năm, trong bài viết trên Báo Sự thật số 103, Bác Hồ từng nhấn mạnh về công tác kiểm tra trong Đảng: đã lãnh đạo thì phải kiểm tra, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời. Bác cũng chỉ rõ: "Đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị" mà quên mất kiểm tra nên việc cũng không chạy.
Cách đây gần 70 năm, trong bài viết trên Báo Sự thật số 103, Bác Hồ từng nhấn mạnh về công tác kiểm tra trong Đảng: đã lãnh đạo thì phải kiểm tra, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời. Bác cũng chỉ rõ: “Đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà quên mất kiểm tra nên việc cũng không chạy.
Nói như vậy, để thấy tầm quan trọng của công tác kiểm tra trong Đảng, là một bộ phận không thể thiếu trong công tác lãnh đạo. Nhưng điểm then chốt trong công tác kiểm tra không phải là “xử lý” sai phạm, mà gắn với phê bình và tự phê bình nhằm phát hiện sớm, từ đó giúp đỡ đồng chí của mình cũng như tổ chức cơ sở Đảng khắc phục khuyết điểm để phát triển vững mạnh, xây dựng Đảng trong sạch. Nói nôm na, trong công tác kiểm tra Đảng, phần “xây” được chú trọng thực hiện trước phần “chống”. Thực chất, kiểm tra là nhằm xác định những thiếu sót, tồn tại để từ đó khắc phục, sửa chữa để công tác Đảng ngày càng hiệu quả, đi vào cuộc sống, khẳng định giá trị của tổ chức Đảng trong lòng nhân dân.
Trong tình hình mới hiện nay, công tác kiểm tra Đảng còn phải gắn với giám sát, trong đó có giám sát của quần chúng nhân dân. Nếu hiểu một chiều, công tác kiểm tra trong các cấp ủy Đảng thường là cấp trên kiểm tra cấp dưới. Nhưng hiểu đúng theo như Bác Hồ đã chỉ ra, thì hơn ai hết chính quần chúng là những người giám sát cán bộ, đảng viên sâu sát, thiết thực nhất. Cán bộ, đảng viên có thể đạt danh hiệu này, thành tích kia tại cơ quan, đơn vị, nhưng đó mới chỉ là đánh giá về chuyên môn, còn về đạo đức, lối sống hàng ngày thì phải dựa vào sự đánh giá của người dân, đảng viên tại địa phương. Đó là nguyên nhân vì sao các tổ chức cơ sở Đảng phải thực hiện lấy ý kiến đánh giá đảng viên tại nơi cư trú.
Trong 4 nguy cơ đã được Đảng xác định, đáng chú ý là tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng, chính trị và phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã dẫn đến tình trạng giảm sút tính chiến đấu trong Đảng. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết cũng làm cho công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng càng khó khăn, phức tạp. Để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, hơn lúc nào hết, các cấp ủy Đảng bên cạnh nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình kiểm tra, giám sát cụ thể, còn phải biết dựa vào dân để kiểm tra, giám sát; thông qua nắm tình hình tư tưởng của các tầng lớp nhân dân để mở rộng dân chủ, tăng cường hoạt động chất vấn, đối thoại, phản biện trong Đảng, trong xã hội để nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân; kịp thời phản ảnh, phát hiện những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên. Có như vậy mới xây dựng được tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh đồng thời củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng.
HÀ LAM